Thành tựu từ 30 năm đổi mới
Trong gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đều có tốc độ phát triển đáng kể. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 1986 đạt 65,1 nghìn tỷ đồng, năm 2005 đạt 182 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần và đến năm 2014 khoảng 830 nghìn tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, kinh tế-xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng Nhà nước vẫn hết sức cố gắng đầu tư cho “tam nông” tăng 2,22 lần so với các năm trước; tỉ trọng chi cho “tam nông” tăng từ 32,8% lên 41,1% GDP trong năm 2014.
Nhờ đó, kinh tế-xã hội nói chung, Đời sống nông dân nói riêng đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và có ý nghĩa lịch sử. Năm 2014, tăng trưởng nông nghiệp bình quân trên 3%/năm, Đời sốngnông dân tăng gấp 2 lần so với năm 2010; nông thôn mới thành hiện thực ở nhiều vùng trong cả nước với 10% số xã hoàn thành 19 tiêu chí.
Đến thời điểm cuối năm 2014, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao.
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệvào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá trên thị trường. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã góp phần nâng cao Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn.
Đời sống nông dân và bộ mặt kinh tế nông thôn có thay đổi lớn. Từ một nước thường xuyên thiếu đói, hằng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới (sau Ấn Độ và Thái Lan). Thu nhập và Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1,8% /năm; trình độ văn hoá, khoa học, kỹ thuật của nông dân được nâng lên rõ rệt.
Làm đường nông thôn
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã triển khai thực hiện với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân và đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, kết cấu hạ tầng thiết yếu được nâng cấp. Với sự cố gắng của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đến tháng 1/2015 đã có 785 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 8,8% tổng số xã trên toàn quốc), là một khích lệ lớn đối với phong trào xây dựng nông thôn mới.
Giải pháp đồng bộ
Mặc dù đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa bền vững, tính cạnh tranh của sản phẩm với khu vực và thế giới còn thấp, Đời sống nông dân vẫn còn khó khăn. Nhiều nơi không còn đói ăn, nhưng chưa giàu.
Hiện nay, một số văn bản pháp luật chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Các chính sách để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn… chưa đồng bộ, chưa đầy đủ. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở nhiều nơi chuyển dịch chậm; ngành, nghề, dịch vụ nông thôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng… Cơ cấu lao động nông thôn cơ bản vẫn là thuần nông. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số nông sản phẩm còn thấp. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu. Chất lượng quy hoạch chưa thực sự hợp lý, thiếu sự liên kết, thống nhất giữa các loại quy hoạch, chưa gắn kết chặt chẽ với nguồn lực thực hiện.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, để đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, vấn đề quan trọng nhất là nhận thức đúng ở cả Trung ương và địa phương, từ cán bộ tới nhân dân. Bởi nguyên nhân của những yếu kém trong nông nghiệp không phải đến từ khách quan mà chủ yếu là nguyên nhân chủ quan.
Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một hợp phần của cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế quốc dân, theo đó cần bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, kiên trì thực hiện các mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp: Sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản, nghiên cứu ban hành Luật Thủy lợi để thay thế cho Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Tiến hành tổng kết chính sách thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhằm sớm ban hành Luật Bảo hiểm nông nghiệp để bảo hiểm các hoạt động đầu tư, sản xuất nông nghiệp của nông dân.
Về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường: Cơ cấu lại thị trường nội địa, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; chú trọng hơn nữa vào phát triển thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số theo hướng khuyến khích phát triển doanh nghiệp xã hội, bảo đảm lợi ích người sản xuất trực tiếp.
Về ứng dụng khoa học công nghệ: Ðẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản.
Về phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê biển và rừng phòng hộ ven biển, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cụm dân cư đáp ứng yêu cầu phòng, chống bão, lũ…
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển mạnh hơn kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn. Tiếp tục đầu tư phát triển giao thông nông thôn, có chính sách cho doanh nghiệptham gia mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân được vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để triển khai thực hiện mô hình liên kết. Nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ nông dân trong sản xuất và công nghệ sau thu hoạch (trước mắt là sản phẩm lúa gạo) để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch.
Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: Có chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao làm việc trong ngành nông nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là cho vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Hương Lan
Theo congly.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn