Nắm bắt theo nhu cầu
Loại gạo được DN chọn đóng bao, chủ yếu là bao nhựa có cân nặng 2 kg, 5 kg, 10 kg; nhưng phổ biến nhất là bao 5 kg. Các loại gạo được vô bao thường là gạo đặc sản như Nàng Thơm, Nàng Hương, Tài Nguyên, Jasmine, Tím Than, Lài Trong, Lài Sữa, Trắng Tép, Đài Loan, Sóc Trăng, Thơm Thái, Thơm Mỹ…
Thường các loại gạo này khi nấu thành cơm thường có phẩm chất chung là mềm, dẻo cơm, mùi thơm nhẹ... Giá các loại gạo thơm tại nhiều chợ và siêu thị ở nội ô như ở TP Cần Thơ đang phổ biến từ 14.000 - 25.000 đ/kg, tùy loại. Tất nhiên, loại gạo thơm, ngon đóng bao sẵn có mức giá cao hơn gạo bán rời khoảng vài ngàn đ/kg. Điều đó cũng dễ hiểu vì phẩm chất gạo được tuyển chọn vào bao có gắt gao hơn; vả lại phần bao bì đẹp, có tính tiếp thị cao cũng góp phần làm tăng giá thành sản phẩm.
Ông Phạm Thái Bình, GĐ Cty TNHH Trung An, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) cho biết: “Chỉ riêng Tết năm nay, Cty cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng vài ngàn tấn. Chúng tôi có hơn 5 mặt hàng gạo đặc sản ở ĐBSCL gồm gạo Jasmine (mềm, dẻo, thơm) giá 14.000 đ/kg; gạo Việt Đài (Đài Loan) giá 16.000 đ/kg; gạo Lài Trong 18.000 đ/kg, gạo Trắng Tép và gạo Lài Sữa 21.000 đ/kg; gạo Tím Than 25.000 đ/kg.
Thị trường gạo đặc sản phục vụ Tết ở ĐBSCL
Các loại gạo ngon được vô bao 2 kg, 5 kg hoặc 10 kg tiện cho khách hàng lựa chọn. Chẳng hạn, gạo Tím Than có bao 2 kg giá 50.000 đồng, gạo Lài Sữa, Trắng Tép, Lài Trong… bao 5 kg theo giá đơn vị tính mà nhân lên có giá khoảng 90.000 - 105.000 đồng hoặc 10 kg giá từ 180.000 - 210.000 đồng”.
Gần như ở các tỉnh ĐBSCL đều có các DN tham gia SX gạo đặc sản vào bao có nhãn hiệu. Nổi tiếng có các đơn vị như Cty CP Gentraco, Cty Mekong, Cty Lương thực Sông Hậu, Cty Nông nghiệp Cờ Đỏ, Cty Agimex (An Giang)... cùng các thương hiệu sản phẩm có tiếng trên thị trường được sự tín nhiệm của người tiêu dùng.
Nếu như trước đây, sản phẩm gạo được DN đóng túi theo dạng 5 kg/túi, thì nay các sản phẩm gạo tẻ và gạo nếp đóng gói với nhiều quy cách trọng lượng khác nhau thuận lợi cho người mua. Để đáp ứng nhu cầu mua gạo thơm ngon làm quà biếu, quà tặng, nhiều điểm kinh doanh còn có dịch vụ đóng gói sản phẩm khi khách có yêu cầu hoặc đóng gói miễn phí cho khách khi mua với số lượng từ khoảng trên 10 kg gạo trở lên.
Gạo thơm đặc sản dồi dào
Theo giới kinh doanh gạo nhận định, gạo thơm bán Tết năm nay dồi dào, giá bán dễ ăn. Tại Cần Thơ, anh Lượng, dân thương lái ở quận Cái Răng chuyên mua bán gạo thơm nội địa trong vùng cho biết: Từ tháng 11 bắt đầu giao nhận hàng, đến rằm tháng Chạp chợ gạo Tết bắt đầu xôm tụ. Nhưng năm nay mặt hàng gạo thơm các giống Jasmine 85, OM4900, ST… đang thừa nguồn cung, giá giảm. Lượng hàng tiêu thụ chỉ khoảng 50% so với chợ Tết năm ngoái.
Ông Nguyễn Trung Kiên, GĐ Cty CP Gentraco (Thốt Nốt-Cần Thơ) có các nhãn hàng gạo ngon chất lượng đang bán vào các siêu thị như: Miss Cần Thơ, Cò Trắng, Ngọc Đồng... Ông cho biết: "Chúng tôi có kế hoạch SXKD cho thị trường nội địa vào dịp Tết 300 tấn gạo thơm Jasmine85, thơm lài và gạo thơm gạo Ngọc Đồng. Tất cả những mặt hàng này được SX đóng gói theo tiêu chuẩn và giá bán ổn định tại các hệ thống cửa hàng, siêu thị theo chương trình bình ổn giá của TP Cần Thơ".
Cùng trên địa bàn TP Cần Thơ, Cty TNHH Nông nghiệp Cờ Đỏ có vùng nguyên liệu rộng lớn (Nông trường Cờ Đỏ) đã chuẩn bị mặt hàng gạo ngon bán Tết từ vụ HT. 2 sản phẩm chủ lực gạo thơm Jasmine85 mang nhãn hiệu gạo Cờ Đỏ (đóng 5 kg/gói) giá 13.000 -14.000 đ/kg và gạo thơm VD20 giá 15.000 - 16.000 đ/kg. Nguồn hàng sử dụng giống lúa thuần, chất lượng đảm bảo và số lượng cung sẵn sàng đáp ứng theo nhu cầu thị trường.
Chị Nguyễn Thị Lê Hằng, tiểu thương bán gạo ở Trung tâm Thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ cho biết: “Cửa hàng tôi bán các loại gạo thơm ngon, dạng để rời hoặc vào bao. Tôi cũng bán nhiều loại gạo đựng túi sẵn của DN trong nước và cả một số loại gạo thơm nhập ngoại của Thái Lan. Người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn.
Năm nay, nguồn cung các loại gạo trên thị trường khá dồi dào, nên tôi nghĩ nhiều khả năng giá sẽ không tăng trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt ở đây, ngoài những bao gạo đóng gói theo trọng lượng của các Cty, chúng tôi cũng có thể đóng bao miễn phí cho khách hàng, nếu có yêu cầu mua với số lượng khác, không theo quy chuẩn trọng lượng của Cty”.
Riêng gạo Nàng Thơm Chợ Đào (NTCĐ) đóng gói, tuy bao bì có nhãn hiệu đơn giản, không bắt mắt bằng các thương hiệu gạo khác, nhưng giá cả của loại gạo này vẫn cao hơn các loại gạo thương hiệu khác vài ngàn đ/kg. Có lẽ, do uy tín chất lượng của thương hiệu gạo Long An này đã có từ lâu đời.
Đánh giá NTCĐ của một chủ cửa hàng gạo Long An tại Cần Thơ, anh Nguyễn Duy Quang cho biết: “Hạt lúa NTCĐ khi được chà xát cho ra một loại gạo trong, hạt nhỏ; khoảng 30 - 40% lượng hạt có 1 phần đục nhỏ, gọi là “nhân lựu” thì được xếp gạo đẹp, có giá. Còn loại trong veo, hoặc hạt đục lớn thì không bằng.
Không chỉ các cửa hàng các DN tập trung bày bán sản phẩm gạo thương hiệu đóng gói mà các siêu thị cũng đã dự trữ mặt hàng gạo này, sẵn sàng cung ứng khi thị trường xảy ra tình trạng đột biến. Như vậy, tình trạng khan hiếm gạo đột xuất hoặc tăng giá bất thường, khó có khả năng xảy ra. |
Hiện loại gạo NTCĐ (Nàng Thơm giữa) có giá bán khoảng 22.000 đ/kg. Cũng loại gạo NTCĐ nhưng hạt lớn và đục hơn, mà người bán cho là Nàng Thơm sớm thì có giá 18.000 đ/kg. Trong tương quan với một số loại gạo khác, nhìn chung NTCĐ có giá nhỉnh hơn so với Jasmine Cờ Đỏ 14.000 đ/kg, Thơm Thái cũ 15.000 đ/kg, Tài Nguyên Chợ Đào 18.000 đ/kg”.
Một số khách hàng dùng quen NTCĐ cho biết: “Sở dĩ NTCĐ có giá cao vì gạo khi nấu thành cơm mềm, có độ dẻo ít, không quá dẻo đến mức gây ngán (ngấy) như cơm nếp. Vả lại, mùi thơm tự nhiên thoang thoảng, không nặng như Jasmine, Việt-Đài 20 mà nhiều người “dị ứng” với mùi thơm nặng. Mặt khác, khi thành cơm nguội, NTCĐ vẫn có độ dai, không bời rời, nhạt cơm.
Theo các nhà kinh doanh gạo ở ĐBSCL, các loại gạo được ưa chuộng có NTCĐ, Hương Lài, gạo thơm An Giang, ST (Sóc Trăng… Loại gạo Jasmine cũng đang được trồng với diện tích đáng kể tại một số tỉnh ĐBSCL. Những năm trước đây, nhiều DN đã từng XK gạo đặc sản ra nước ngoài. Tuy nhiên, do làm ăn theo kiểu manh mún không bài bản và chưa xây dựng được thương hiệu độc quyền, nên việc XK gạo đặc sản vẫn chỉ ở mức giới hạn, hiệu quả đem lại chưa tương xứng với giá trị thực.
SX nhắm vào thị trường nào?
Gần đây một số nông dân chuyển hướng sang canh tác lúa thơm là nhắm vào thị trường nội địa. Xét về mặt kỹ thuật SX, điều kiện đất đai, phân bón thì nó tương tự như làm lúa thường. Tuy nhiên, năng suất lúa thơm thấp hơn lúa thường. Lúa thơm dễ nhiễm sâu bệnh hơn nên rất cực công chăm sóc.
PGS.TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) năm 2012 thị trường gạo thơm XK sang Trung Quốc, Hồng Kông khoảng 500.000 tấn. Gần đây thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ đang mở ra và gạo VN có khả năng đáp ứng được yêu cầu. Điển hình như ở An Giang vừa có 2 DN đầu tiên XK gạo đạt tiêu chuẩn vào thị trường Nhật Bản đó là Cty CP XNK An Giang (Angimex) và Cty CP BVTV An Giang.
Cty CP XNK An Giang (Angimex) vừa xuất lô hàng đầu tiên 30.000 tấn gạo trắng hạt dài (trong hợp đồng 182.000 tấn) sang thị trường Nhật Bản và đạt điều kiện vượt qua 593 chỉ tiêu kiểm nghiệm về dư lượng hóa chất của các cơ quan kiểm định Thái Lan, Nhật Bản. Còn Cty CP BVTV An Giang đã xuất sang Nhật Bản 300 tấn gạo đạt tất cả các tiêu chuẩn kiểm định của thị trường được xem là khó tính bậc nhất này.
Các DN này cho biết, đây là kết quả quá trình liên kết giữa DN và nông dân SX lúa theo quy trình canh tác có kiểm soát chặt chẽ trong việc sử dụng thuốc BVTV. Và nhìn vào thị trường gạo thơm Tết năm nay cho thấy, muốn nâng cao chất lượng hạt gạo ngon Việt Nam, nông dân không thể SX theo cảm tính đơn thuần. Vấn đề là tổ chức SX, khắc phục các yếu điểm từ giống và SX theo quy trình đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP.
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn