Vẫn còn những cánh rừng nguyên sinh
Hà Tĩnh là tỉnh được Trung ương, Bộ NN&PTNT đánh giá đi đầu cả nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) với độ che phủ đạt tới gần 54%.
Ông Nguyễn Huy Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: "Theo kết quả điều tra kiểm kê rừng (quy hoạch 3 loại rừng) mới nhất, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh đạt 363.730 ha. Trong đó, rừng đặc dụng 74.598 ha, rừng phòng hộ gần 115 nghìn ha và rừng SX 173.271 ha với tổng trữ lượng gỗ đạt gần 30 triệu m3 (rừng tự nhiên 24 triệu m3; rừng trồng 6 triệu m3)".
Với số liệu như trên, có thể nói đây là một nguồn tài nguyên vô giá thiên nhiên ban tặng cho Hà Tĩnh và phải khẳng định rằng đánh giá của Trung ương, Bộ NN&PTNT đối với sự nghiệp quản lý, BV&PTR ở Hà Tĩnh đứng tốp đầu cả nước là rất đúng đắn bởi mặc dù là một tỉnh nghèo, diện tích tự nhiên khiêm tốn nhưng đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vẫn giữ được một khối lượng tài nguyên "khổng lồ" hiếm tỉnh nào có được, đấy là điều đáng ghi nhận. Mặc dầu trong cuộc chiến bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh phải trải qua bao cam go, phải hi sinh bằng xương, bằng máu để giữ rừng nhưng dẫu sao một vài vụ phá rừng cũng đã xảy ra như vụ phá rừng tại Kỳ Anh (năm 2009), tiếp vụ phá rừng ở Sơn Hồng (năm 2011)...âu đây cũng là bài học xương máu để Hà Tĩnh vượt lên mọi khó khăn thử thách, bảo vệ cho bằng được nguồn tài nguyên vô giá nói trên.
Khai thác gỗ rừng là để tái đầu tư bảo vệ rừng
Được biết, những thập kỷ 50-90 của thế kỷ XX, rừng Hà Tĩnh bình quân hàng năm khai thác từ 40-80 nghìn m3 gỗ phục vụ chiến trường và kiến thiết xây dựng đất nước. Đến thời kỳ đất nước đổi mới việc khai thác rừng ở Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung đều được thắt chặt bằng cách đóng một phần cửa rừng để bảo tồn vốn rừng tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái nên kể từ đó đến nay bình quân hàng năm khai thác gỗ rừng tự nhiên ở Hà Tĩnh giảm xuống còn 8-10 nghìn m3/năm thuộc 2 Cty lâm nghiệp Hương Sơn ( 5-6 nghìn m3) và Chúc A (3-4 nghìn m3).
Ông Hán Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh cho hay như kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngoài phương án tạm dừng khai thác gỗ, rừng sản xuất và rừng tự nhiên trên địa bàn cả nước. Còn nếu thực hiện phương án 2, để đảm bảo khai thác, điều chế rừng đúng với đề án phát triển rừng bền vững từ 2011 đến 2020, tháng 10/2012 Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có thông báo kết luận số 363/TB-VPCP, trong đó đề cập đến vấn đề khai thác gỗ rừng tự nhiên, tại phương án 2 ghi rõ:"Phương án 1, tạm dừng khai thác gỗ rừng SX là rừng tự nhiên trên địa bàn cả nước. Phương án 2: Đối với vùng Tây Nguyên cho phép Công ty Lấm nghiệp Đắc Tô tỉnh Con Tum đã được cấp chứng chỉ gỗ có kiểm soát và sẽ cấp chứng chỉ rừng FSC quốc tế vào năm 2013 được khai thác sản lượng ổn định 8.000m3/năm. Đối với các địa phương còn lại, cho phép các Cty lâm nghiệp khai thác theo phương án điều chế rừng hoặc phương án quản lý rừng bền vững, được cấp có thẩm quyền phê duyệt".
Còn phương án quản lý, BV&PTR bền vững giai đoạn 2012-2015, định hướng đến 2020 của tỉnh Hà Tĩnh được thông qua giữa kỳ họp HĐND tỉnh bằng Nghị quyết HĐND tỉnh số 26 nhấn mạnh: "Tăng cường quản lý khai thác lâm sản đảm bảo bền vững, đúng quy trình, quy phạm, minh bạch, phấn đấu đến 2020 tất cả số lượng gỗ khai thác trên địa bàn toàn tỉnh phải được cấp chứng chỉ FSC. Đây là điều kiện cho các sản phẩm gỗ SX trên địa bàn Hà Tĩnh tham gia hội nhập vào thị trường gỗ trong khu vực và thế giới".
Thế nhưng, nếu đóng cửa rừng...!
Nếu chủ trương đóng cửa rừng được thực hiện thì có bao nhiêu vấn đề cần phải được cân nhắc bởi thuật ngữ "đóng cửa rừng" là đóng tất cả, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Để phân tích kỹ hơn về vấn đề này, vì sao khai thác, điều tiết rừng lại được xây dựng vào trong phương án rừng bền vững, bởi khai thác rừng là biện pháp khai thác lâm học điều chỉnh cấu trúc, mật độ (trẻ hóa lâm phần), chuyển đổi thế hệ cây, những loài cây già cỗi sâu bệnh phải được khai thác để tận dụng tài nguyên làm giàu cho đất nước, tăng chất lượng rừng ngày một phát triển tốt hơn. Thông qua biện pháp vệ sinh rừng cho các loài cây xung quanh phát triển đúng phương thức tái sinh rừng. Mục đích khai thác, lấy ra một khối lượng gỗ trong các rừng già nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người, tạo nên một nguồn kinh tế từ sản phẩm lâm nghiệp cho nước nhà.
Có thể nói việc khai thác rừng là một biện pháp lâm học trong SX lâm nghiệp, còn khai thác như thế nào, quản lý ra sao? . Lâu nay có quan niệm cho rằng khai thác rừng là đi ngược lại với xu thế xã hội, khai thác rừng tạo điều kiện cho nạn phá rừng nên có thể phải đóng cửa rừng trên toàn quốc. Theo các nhà phân tích lâm nghiệp cho rằng: Nếu đóng cửa rừng thì xem đây là một biện pháp hành chính cơ học, không bảo đảm đầy đủ các điều kiện trong thực tế quản lý, BVR, sản xuất lâm nghiệp bởi rừng là hoạt động sống, tài nguyên rừng là tái tạo có sinh trưởng, phát triển. Nếu đóng cửa rừng không khai thác sẽ không tận dụng được tài nguyên hợp lý và gỗ rừng đó sẽ thành tài nguyên chết.
Được biết, nhu cần sản lượng gỗ cả nước mỗi năm nhập vào hàng triệu m3, trong đó sản lượng gỗ khai thác trong nước được hạn chế xuống mức chỉ đạt từ 150 - 200 nghìn m3. Nếu thực hiện chủ trương đóng cửa rừng hoàn toàn thì chắc chắn giá thành gỗ trong nước qua nhập khẩu sẽ rất cao và phụ thuộc nguồn nguyên liệu của nước ngoài. Vả lại việc khai thác, SX, chế biến gỗ phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người sẽ bị thiếu hụt. Còn nói đến hệ lụy đối với công nhân lâm nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp, nếu không có giải pháp tối ưn.
Riêng đối với Hà Tĩnh, nếu đóng cửa rừng hầu hết cán bộ, công nhân lâm nghiệp và người dân sống gần rừng như Hương Sơn, Hương Khê sẽ bị ảnh hưởng vì thiếu việc làm bởi từ trước tớinay hàng chục ngìn ha rừng do 2 Cty Chúc A và Hương Sơn quản lý chủ yếu dựa vào khai thác, chế biến gỗ để tái đầu tư trở lại nhằm chăm sóc, PT&BVR; bảo vệ đời sống cho lực lượng nói trên, đồng thời đóng góp một phần ngân sách cho nhà nước.
Thiết nghĩ, nếu đóng cửa rừng tại tỉnh nghèo Hà Tĩnh sẽ lấy gì để tạo nguồn ngân sách bảo vệ, PTR trên diện tích rừng tự nhiên rất lớn. Đây là bài toán cần được tính toán kỹ lưỡng theo đúng lộ trình sao cho phù hợp với điều kiện từng địa phương cụ thể.
LÊ NA
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn