Sở hữu toàn dân và sở hữu thực tế
Mặc dù chương trình QH không còn buổi thảo luận nào về Luật Đất đai nhưng để đáp ứng yêu cầu của các ĐB mong muốn được tiếp tục thảo luận nên QH đã bố trí thêm buổi chiều ngày 22/11 để tiếp tục thu nhận ý kiến đóng góp vào dự thảo luật.
Sôi nổi thảo luận tại hội trường, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng các quy định hiện hành của luật và thực tế quản lý sử dụng đất đai thời gian qua không ăn nhập. Quyền sở hữu toàn dân về đất đai không được thực hiện trên thực tế.
ĐB Phạm Xuân Thường: Cần phải có chính sách địa tô hợp lý
Đất đai chỉ thuộc sở hữu toàn dân khi nhà nước đang trực tiếp quản lý còn sau khi đã giao đất cho người sử dụng đất với 9 quyền thì đã đặt nặng dấu ấn các quyền rất quan trọng của chủ sở hữu. Đó là quyền thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì vậy, theo ông để tránh tình trạng các đại gia gom đất cho “đời sau” thì phải có chính sách địa tô hợp lý.
“Ai đó cho rằng hai khái niệm quyền sử dụng đất và quyền sở hữu đất đai hoàn toàn khác nhau. Tôi và rất nhiều cử tri lại không nghĩ như vậy, vì quyền sở hữu tài sản nào đó bao gồm 3 quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt.
Cả 3 quyền này người sử dụng đất đều có, do vậy muốn đất đai thực sự thuộc sở hữu toàn dân thì bắt buộc phải có chính sách địa tô hợp lý, để không chỉ người không được nhà nước giao đất mà ngay cả người được nhà nước giao đất cũng nhận thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình đối với đất đai, tài sản của nhà nước, của toàn dân”, ông Thường nói.
Qua phát biểu của các ĐBQH, ông Thường thấy dự thảo luật còn rất nhiều nội dung cần phải trao đổi, điều chỉnh. Trong khi thời gian từ nay đến cuối kì họp còn rất ít nên ông Thường đề nghị Quốc hội nghiên cứu có thể thông qua dự án luật này vào kỳ họp thứ 7.
Bỏ hoang là phải thu hồi
Tiếp tục phân tích nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian qua, ĐB Thường dẫn chứng mỗi năm dân số nước ta tăng khoảng 1 triệu người và nếu tính từ năm 1993 lại đây đã có 20 triệu người tăng thêm.
Trong số này 70% sống bằng nông nghiệp, tức có khoảng 14 triệu người trực tiếp sản xuất hoặc sống dựa vào nông nghiệp nhưng chỉ có 4,2 triệu người thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp từ ông bà, cha mẹ, còn lại 9,8 triệu người không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Con số này sẽ là 33,8 triệu sau 50 năm nữa.
Lực lượng lao động này sẽ được điều chỉnh bằng chính sách nào nếu không có đất sản xuất? Xuất phát từ câu hỏi này, ĐB Thường đề nghị cần phải tính đến chính sách điều chỉnh việc sử dụng đất nông nghiệp sao cho có hiệu quả. Ông đề xuất có thể đưa ra quy định hạn chế hơn về quyền thừa kế và giao cho địa phương định kì rà soát chặt chẽ loại đất sản xuất mà chủ sử dụng đã chết.
Cũng quan tâm đến việc quản lý sử dụng đất nông nghiệp, ĐB Lê Thị Tám (Nghệ An) nêu thực trạng nhiều hộ gia đình, cá nhân được giao đất sản xuất nông nghiệp nhưng thực tế không sử dụng, bỏ ruộng hoang hóa trong khi các gia đình khác đang thực sự cần đất sản xuất. Bà Tám kiến nghị QH nghiên cứu, bổ sung thêm chế định pháp luật nhằm điều tiết đất sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý hơn, hạn chế trường hợp không sử dụng nhưng giữ đất rất lãng phí.
Cuộc chơi thiếu trọng tài
Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB cho rằng, việc đảm bảo giá đất sát thị trường không được quy định rõ ràng và minh bạch đã tạo cơ hội cho một số cá nhân làm giàu bất chính, gây mất công bằng và là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc trong xã hội.
Nhiều ĐB cho rằng, việc đảm bảo giá đất sát thị trường không được quy định rõ ràng và minh bạch đã tạo cơ hội cho một số cá nhân làm giàu bất chính
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) khẳng định giá đất để tính bồi thường là vấn đề được dân chúng quan tâm nhất và cũng dễ phát sinh khiếu kiện nhất. Việc thu hồi đất để làm gì người dân ít quan tâm bằng việc họ có được đảm bảo lợi ích thỏa đáng không? Lợi ích của họ bao gồm cả lợi ích trước mắt và lợi ích sinh kế lâu dài về sau. Bởi vì khi người dân không còn đất còn liên quan đến thế hệ con, cháu của họ sau này cũng cần phải tính đến.
Như vậy, để người dân thực sự yên tâm tôi đề nghị khi định giá đất cụ thể để tính giá bồi thường thì để một tổ chức định giá độc lập thực hiện, trên cơ sở đó ủy ban nhân dân tỉnh trình hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
Đồng quan điểm này, ĐB Trần Văn Độ nhận thấy đã qua rất nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo luật hầu như chưa có quy định để thu hẹp và xóa bỏ tình trạng hai giá đất để khắc phục tình trạng không công bằng giữa người có đất bị thu hồi và những người có đất thương mại. Dự thảo không hề đề cập đến quy trình định giá đất, không có quy định về cơ quan thẩm định giá đất độc lập.
ĐB Trần Văn Độ: Luật giao cho UBND cấp tỉnh vừa có thẩm quyền thu hồi đất, vừa có thẩm quyền định giá đất, tức là vừa đá bóng, vừa thổi còi mà không quy định các cơ chế độc lập lẫn nhau trong tham mưu, thẩm định thu hồi đất và định giá đất thì rất khó có được sự minh bạch, rõ ràng, công khai, công bằng như chúng ta mong muốn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn