Giảm 5% giá thức ăn chăn nuôi Từ đầu năm đến nay, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi xuống ở mức kỷ lục – thấp hơn từ 20% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hội chăn nuôi Việt Nam, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng ngành chăn nuôi gánh chịu thiệt hại 2000 – 5000 tỷ đồng.
Việc giá sản phẩm chăn nuôi giảm, nguyên nhân chính là do cung vượt cầu. Vì vậy, Hội chăn nuôi Việt Nam đề xuất giải pháp cấp bách là giảm giá thành bằng việc giảm giá thức ăn chăn nuôi. Theo đó, Hội kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khoảng 1.100 tỷ đồng thông qua giảm, hoặc miễn thuế cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi – từ đó giảm 5% giá thức ăn chăn nuôi.
GS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho biết thêm: “
Chúng tôi kiến nghị hỗ trợ giảm giá thức ăn chăn nuôi khoảng 5%, đặc biệt tập trung vào thức ăn cho lợn nái. Vì nếu lỗ quá, người ta bỏ đàn lợn nái đi thì đến lúc tái đàn, chu kỳ ra sản phẩm là 16 tháng, tức là cuối năm sau chúng ta sẽ gặp khó khăn. Cho nên là phải hỗ trợ ngay. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài là làm thế nào để quy mô chăn nuôi lớn hơn, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, từ chế biến tới tiêu tiêu thụ. Mấy ngày này, người chăn nuôi thì lỗ nhưng người tiêu dùng vẫn ăn với giá đắt.” Đề xuất hỗ trợ gói tín dụng 6000 tỷ đồng Thiếu vốn, nên hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi đã giảm từ 10% - 15% tổng đàn vật nuôi. Nguy cơ treo chuồng và thiếu thịt vào dịp Tết là khó tránh khỏi. Trước tình hình này, ngành chăn nuôi đề xuất hỗ trợ gói tín dụng 6000 tỷ đồng cho các trang trại và doanh nghiệp đáo nợ, giãn nợ và vay mới tái sản xuất.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra bây giờ là khi nào tiền hỗ trợ mới đến tay người dân. Vì thực tế, đã có nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng được ban hành từ lâu, nhưng chưa đi vào cuộc sống. Để chứng minh điều này, Ông Trần Văn Chiến – Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông còn mang cả hóa đơn trả lãi ngân hàng với lãi suất cao nhất lên tới 20% đến Hội nghị.
Ông Chiến chia sẻ: “
Để tiếp cận vốn hỗ trợ thì chúng tôi chưa hề tiếp cận được. Đấy, như các anh biết, tôi vẫn đang vay cao nhất là 20,4% còn thấp nhất là 17- 18%. Bây giờ không thể đợi được, vì giá giảm lâu quá dẫn đến người chăn nuôi không đủ lực theo nữa mà có xu hướng nhiều người bỏ chuồng, giảm đàn và vỡ nợ.” Người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn- Ảnh minh họa Theo Hội chăn nuôi VN, bên cạnh việc nhanh chóng hỗ trợ vốn sản xuất cho người chăn nuôi, thì cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp có vốn để thu mua và trữ đông các sản phẩm thịt. Đồng thời, cần hạn chế tối đa việc nhập lậu sản phẩm động vật qua biên giới; giảm và miễn một số loại phí- lệ phí, tránh tình trạng 1 quả trứng phải chịu 5 lần phí kiểm dịch như ở một số tỉnh phía Nam hiện nay.
Về lâu dài, ngành chăn nuôi cần nâng cao khả năng dự báo thị trường, tính toán lại cơ cấu sản xuất và hướng tới xuất khẩu nhằm ổn định sản xuất trong nước.