Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, giá heo hôm nay 3.12 mỗi nơi một giá khác nhau. Ví như tại Hà Nam có nơi giá lợn chỉ khoảng 26.000 đồng đến 27.000 đồng/kg nhưng tại Hà Nội giá lợn hơi nhiều vùng đã được lái buôn thu mua với giá trên dưới 28.000 đồng/kg.
Ba miền mỗi nơi một giá
Bên cạnh giá lợn hơi, giá lợn giống hiện tại ở các vùng như Hưng Yên, Hà Nam, Đồng Nai... đang ở mức khá thấp chỉ khoảng dưới 600.000 đồng/con.
Ông Nguyễn Tiến Nguyên, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Bình Lục (Hà Nam) cho biết, mấy ngày gần đây thấy các báo, đài đưa tin giá lợn tăng trở lại, song thực tế giá lợn hôm nay 3.12 tại huyện cũng chỉ dao động trên dưới 27.000 đồng/kg.
"Thậm chí lái buôn thu mua đưa lợn đi Trung Quốc với giá thấp hơn giá lái mua đưa vào lò mổ"- ông Nguyên nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại nhiều nơi của Hà Nội và Hưng Yên đã có trang trại bán được lợn hơi siêu với giá trên dưới 29.000 đồng/kg, bán cho lái đưa đi Trung Quốc với giá 28.500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Thế, chủ trang trại lợn ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, so với thời điểm trước giá lợn hơi hiện tại vẫn giữ ở mức từ 27.000 đồng đến trên 29.000 đồng/kg. "Với giá lợn hiện tại người chăn nuôi không những không có mãi mà vẫn chịu lỗ khá nhiều" - ông Thế chia sẻ.
Ông Phan Minh, chủ một trại chăn nuôi heo ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho rằng: "Với giá heo hơi hiện tại khoảng 26.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, người nuôi đang trong giai đoạn cầm cự và thua lỗ, nếu từ nay đến cuối năm giá heo không tăng được thì tình trạng nông dân nuôi nhỏ, lẻ bỏ nghề và mất việc sẽ càng trầm trọng, đáng báo động hơn".
Theo nhiều chủ trang trại tại ba miền, giá lợn hôm nay 3.12 dao động từ 26.000 đồng đến hơn 30.000 đồng/kg.
Trung Quốc chuyển mạnh sang chăn nuôi quy mô lớn
Theo Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), hiện các Công ty chăn nuôi lợn lớn nhất và các nhà sản xuất chăn nuôi mới của Trung Quốc đang trong cuộc chạy đua xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại ở phía Đông Bắc nước này. Động thái này có thể đảo lộn các luồng thương mại trong ngành thịt và ngũ cốc thế giới trong thời gian tới.
Theo đó, ít nhất 8 công ty niêm yết trên sàn đã thông báo hoặc xác nhận các kế hoạch sản xuất khoảng 17 triệu con lợn hàng năm tại khu vực Đông Bắc trong những năm tới. Thậm chí còn có nhiều công ty khác, bao gồm các nhà chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc là Guangdong Wen’s Foodstuff Group Co Ltd cũng đang xây dựng các trang trại tại khu vực này.
Một số nhà nghiên cứu dự báo, sản lượng lợn tại khu vực Đông Bắc Trung Quốc sẽ chạm mức gần 120 triệu con lợn hàng năm, gần gấp đôi lượng 69 triệu con lợn được nuôi tại các khu vực như Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh và Nội Mông trong năm 2016. Feng Hui, trưởng phân tích tại hãng tư vấn Soozhu.com nhận định: “Trong vài năm tới, gần 20% quy mô đàn lợn của Trung Quốc sẽ được chuyển tới khu vực mới, tương đương với số lợn được giết mổ trên toàn nước Mỹ hàng năm”.
Nhiệt độ xuống thấp dưới mức đóng băng vào mùa đông tại khu vực Đông Bắc Trung Quốc, nhưng khu vực này rất thưa dân và cho phép xây dựng các tổ hợp chăn nuôi lớn. Song Weiping - Phó chủ tịch Beijing Dabeinong Technology, một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn đang đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh vào chăn nuôi lợn cho hay: “Chi phí sản xuất tại khu vực Đông Bắc cao hơn do phải cung cấp nhiệt lượng sưởi ấm. Nhưng chúng tôi sẽ đạt hiệu suất theo quy mô tại đây. Chúng tôi đang xây dựng 7 tổ hợp trang trại tại khu vực Đông Bắc trong năm 2017. Tổng cộng chúng tôi sẽ có khoảng 20 trang trại tại khu vực này”.
Sản lượng tăng tại khu vực các tỉnh Đông Bắc sẽ đưa tỷ trọng sản xuất chăn nuôi tại khu vực này tăng lên, chiếm khoảng 17% tổng sản lượng cả năm 2016 của Trung Quốc, tương đương công suất 129 triệu con tại các tỉnh sản xuất chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc hiện nay là Hồ Nam và Tứ Xuyên (đang chiếm tổng cộng 20% nguồn cung thịt lợn tại Trung Quốc).
Tại Trung Quốc, một chiến dịch kéo dài 3 năm gần đây nhằm giải quyết ô nhiễm và chất thải chăn nuôi đã đẩy nhiều trạng trại quy mô nhỏ ra khỏi ngành. Chiến dịch này diễn ra vào thời điểm giá thấp, vốn đã buộc nhiều nhà sản xuất quy mô nhỏ, tập trung tại các tỉnh phía Nam phải rời bỏ ngành. Sau đó, giá thịt lợn đã tăng vọt hồi năm ngoái do quy mô đàn lợn thịt cả nước suy giảm mạnh. Điều này đã giúp các công ty chăn nuôi quy mô lớn của nước này mở rộng nhanh chóng để thâu tóm thị phần, vốn từng nằm trong tay các hộ gia đình chăn nuôi.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn