Tận dụng diện tích vườn tạp, đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, tăng thu nhập cho người dân là cách làm đang được thực hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Bước đầu, những mô hình này đã đem lại giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với các loại cây trồng khác.
Các hộ nông dân thôn 17, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) chăm sóc cỏ ngọt để bán cho các doanh nghiệp dược. Ảnh: Trần Liên
Ngoài lợi thế về đất đai, tại nhiều huyện như Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, (Tuyên Quang) dưới các tán rừng nguyên sinh, vẫn còn nhiều loại cây dược liệu quý hiếm. Ngoài một số cây dược liệu bản địa như giảo cổ lam, Lâm Bình cũng là nơi phát hiện một loại thảo dược quý là trà hoa vàng hay “Kim hoa trà”, trà trường thọ.
Thôn Cao Bình hiện đã được quy hoạch thành vùng trồng cây dược liệu của xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa). UBND xã Hùng Mỹ đã làm việc với Công ty cổ phần Tư vấn phát triển nông thôn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) ký kết hợp đồng, bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch.
Đồng thời, kết nối với Trung tâm Đào tạo nghề nông nghiệp và tư vấn phát triển nông thôn (Trường Cao đẳng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ) hỗ trợ xây dựng vùng dược liệu an toàn có chỉ dẫn địa lý.
Trước đó, tại thôn Thắm, Hùng Mỹ cũng đã liên kết với Công ty cổ phần Tư vấn phát triển nông thôn Xuân Mai đưa vào trồng 2ha cây khôi nhung dưới tán rừng, bước đầu đem lại kết quả khả quan. Hiện, 1kg lá cây khôi nhung khô đang được đơn vị liên kết thu mua với giá từ 200.000- 300.000 đồng.
Trước Hùng Mỹ, 3 xã của huyện Sơn Dương là Hợp Hòa, Sầm Dương, Văn Phú, nhiều nông dân đã thu được “quả ngọt” từ việc đưa cà gai leo vào trồng đại trà. Gia đình bà Phạm Thị Hường, thôn Thái Thịnh, xã Sầm Dương (Sơn Dương) trồng 3 sào cà gai leo trên diện tích đất soi bãi mà trước đây gia đình bà trồng ngô. Sau khi thu hoạch và được Công ty TNHH Nhất Tâm Đường thu mua với giá 25.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình bà Hường lãi 8 triệu đồng.
Ông Phạm Hữu Tân- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, trước khi đưa cà gai leo vào trồng trên diện tích lớn, huyện đã làm việc với một số doanh nghiệp chế biến dược phẩm để liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo tính toán, toàn huyện trong 1-2 năm tới sẽ phát triển ra khoảng 100 - 120ha cà gai leo và chỉ mở rộng diện tích khi đã có hợp đồng thu mua sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến.
Hiện trong quy hoạch phát triển lâm nghiệp của tỉnh cũng đã khoanh định một số diện tích dưới tán rừng tại các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình để trồng cây dược liệu, diện tích dự kiến từ 20.000 - 30.000 ha. Tuy nhiên, theo ông Triệu Đăng Khoa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc lựa chọn trồng cây gì vẫn chưa được xây dựng chi tiết, do phụ thuộc nhu cầu của doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm.
http://danviet.vn/nha-nong/giup-nong-dan-co-thu-nhap-cao-tu-trong-cay-duoc-lieu-1000200.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn