Phần lớn cá đánh bắt được trong dịp này chủ yếu là cá loại nhỏ và mỗi chuyến tàu về cập các cảng cá đều được cánh thương lái “phục sẵn” đến thu mua tại chỗ với giá rất cao so với ngày thường.
Ông Nguyễn Danh Hòa, một chủ tàu ở xóm Liên Tân, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà phấn khởi cho biết, chuyến đi đầu năm thắng lợi lắm, trời yên biển lặng, ngư trường lại ổn định, những mẻ lưới kéo lên đều nặng trĩu. Từ ra tết đến nay, tàu của ông mới đi 3 chuyến, nhưng mỗi chuyến trung bình đánh được vài tấn hải sản. Nhẩm tính sơ sơ, sau khi trừ chi phí cũng kiếm được trên dưới 50 triệu đồng.
Nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 46 tổ đội khai thác hải sản trên biển với tổng số 250 chiếc tàu. Trong năm 2013 tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thành lập thêm 25 tổ đội với khoảng 130 chiếc, tiến tới thành lập các nghiệp đoàn nghề cá.
Theo một cán bộ của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Hà Tĩnh, sản lượng hải sản khai thác trong 2 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh ước đạt 2.800 tấn, giá trị 65 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm trước. 2 tháng đầu năm toàn tỉnh cũng phát triển thêm 12 tàu cá xa bờ (trên 90 CV), trong đó đóng mới 3 chiếc, nâng đội tàu đánh bắt xa bờ lên 73 chiếc, tổng công suất tăng thêm 1.810 CV.
Mấy năm trở lại đây, mặc dù chi phí xăng dầu tăng cao, nhưng nhiều ngư dân ở Hà Tĩnh vẫn quyết tâm đầu tư kinh phí đóng thêm tàu, thuyền mới, máy lớn, mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ việc đánh bắt hải sản xa bờ có hiệu quả, lợi nhuận cao hơn.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng kịp thời động viên ngư dân tiếp tục bám biển tăng sản lượng đánh bắt bằng nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ tàu thuyền có công suất lớn, hỗ trợ giá xăng dầu, hỗ trợ các mô hình dịch vụ nghề cá trên bờ biển…
Theo sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn