Nhờ điều kiện không khí mát lành cùng thổ nhưỡng trời ban nên cây hạt dẻ ở đây mọc tự nhiên rất nhiều và ngon nổi tiếng. khu vực địa lý được phân bố ở các sườn đồi có độ cao khoảng 450-600 m, xung quanh được bao bọc bởi núi đá vôi tạo nên khí hậu mát mẻ quanh năm thích hợp cho sự phát triển và sinh trưởng của cây dẻ. Nơi đây có nhiều sông và suối lớn chảy qua cung cấp phù sa và nước tưới cho cây.
Ảnh minh họa
Hiện nay, huyện Trùng Khánh có khoảng 200 ha cây dẻ cho quả, năng suất trung bình 5 tạ/ha, sản lượng 100 tấn, giá trị ước đạt trên 7 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các xã: Đình Minh, Phong Châu, Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Minh, Phong Châu. Trung bình mỗi hộ trồng từ 500 – 1.000 m 2 . Tuy nhiên, một số diện tích có cây già, năng suất thấp, người dân đã chặt bỏ và trồng thay thế cây mới, theo chương trình trồng mới và mở rộng diện tích của huyện. Quả dẻ nhiều gai xù xì như quả chôm chôm, mỗi quả chứa từ 3 đến 4 hạt.
Thông thường hạt dẻ hình tròn đều nhưng thỉnh thoảng cũng có hạt hình thù dị dạng. Đặc điểm nổi bật của hạt dẻ Trùng Khánh, khác với hạt dẻ Lạng Sơn, hạt dẻ Quảng Uyên là hạt khá to đều (gấp 5-6 lần hạt dẻ rừng), có hình dáng hơi tròn (kích thước ba chiều gần bằng nhau), hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái, nhìn bên ngoài phía cuống hạt có nhiều lông tơ màu trắng nhạt. Khi chín, vỏ của nó có màu hỗn hợp giữa nâu với màu tía, rất bóng, vỏ lụa mỏng, dễ bóc, nhân hạt có màu vàng tơ, vị bùi, thơm ngậy. Khi quả dẻ chín và tự rụng xuống đất, người dân sẽ nhặt mang về tách vỏ. Mùa thu hoạch của hạt dẻ Trùng Khánh là vào tháng 9, tháng 10 âm lịch.
Hạt dẻ vừa là thức ăn vừa là thuốc quý có tác dụng bổ thận ích tinh, mạnh gân cốt, kiện tỳ. Hạt dẻ không chỉ mang lại sự tỉnh táo mà còn tốt cho người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp và tim, hàm lượng chất xơ rất lớn trong hạt dẻ tăng cường chức năng tốt cho tiêu hóa, phòng chống các bệnh tim mạch, dưỡng vị, hoạt huyết, chỉ huyết, tỳ vị hư hàn, thận hư, tiểu tiện nhiều lần, thổ huyết, chảy máu cam, đại tiện ra máu, bị đâm chém, đòn ngã sưng đau, gân xương đau nhức, tràng nhạc v.v…
Hạt dẻ có hàm lượng các chất đường bột cao, nên phụ nữ sau khi sinh, trẻ nhỏ và người bị táo bón, người mắcbệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều. Đây là thứ quả chứa hàm lượng đạm rất cao, có thể ăn sống, hấp chín ăn hay luộc rồi rang; hoặc nấu cháo, cơm rang hạt dẻ, canh sườn non hạt dẻ…
Người Cao Bằng thường ninh hạt dẻ với chân giò lợn như một món hầm để đãi khách. Do phần thịt hạt rất thơm ngậy, ngọt tự nhiên, rất bùi bở nên nhiều nơi còn xay bột hạt dẻ làm nhân bánh, nhưng thông dụng và đơn giản nhất là luộc và rang chín. Hạt dẻ rang là cách chế biến giản đơn mà vẫn giữ được hương thơm đúng vị của loại đặc sản này. Khi rang cần liên tục đảo đều tay để hạt dẻ chín vừa mà không bị cháy, dậy hương thơm đặc trưng. Hạt dẻ gắn liền với hình ảnh quen thuộc của những người bán hàng trên các vỉa hè, nẻo đường Thủ đô Hà Nội, nhất là vào những ngày lạnh giá. Giá bán hạt dẻ từ 60.000 - 80.000 đồng/100 hạt (tương đương 1 kg).
\Năm 2012, cùng với quế Trà Bồng (Quảng Ngãi), sâm Ngọc Linh (Kon Tum), trà Bảo Lộc (Lâm Đồng), hoa và rau (Đà Lạt), cây Hoàng Liên Sa Pa (Lào Cai), chè Tân Cương (Thái Nguyên), cây hồi (Lạng Sơn), măng trúc Yên Tử (Quảng Ninh), hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) là một trong “top” 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng của Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam công bố.
Hạt dẻ Trùng Khánh là sản phẩm đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng xác lập và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đưa sản phẩm thành một thứ hàng hóa chủ lực của huyện cũng như của toàn tỉnh. Điều này có ý nghĩa rất đặc biệt với nhân dân huyện Trùng Khánh nói riêng và toàn tỉnh Cao Bằng nói chung trong việc nâng cao giá trị sản phẩm hạt dẻ và cũng để lưu giữ nét độc đáo hiếm có của nơi đây.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn