Trong cả ngày hôm nay và ngày mai (3-4/6), Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Đại biểu Quốc hội thảo luân tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - Ảnh: Vneconomy |
Các thành phần kinh tế phải bình đẳng
Về vị trí của các thành phần kinh tế trong Hiến pháp ((Điều 54), đại biểu Lê Văn Tân (đoàn Hà Nam) nhất trí với phương án 3, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
Theo đại biểu, không nhất thiết phải kể tên các thành phần kinh tế, kể như vậy cũng có thể thiếu và thừa. Các thành phần kinh tế đều bình đẳng với nhau. Đề cập nội dung như vậy là đủ, đảm bảo tính ổn định của hiến pháp khi cơ cấu kinh tế thay đổi, không qui định thành phần kinh tế chủ đạo của kinh tế Nhà nước để không có sự phân biệt, đối xử không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Tài nguyên của quốc gia đương nhiên Nhà nước nắm giữ, quản lý còn dNNN chỉ làm những gì tư nhân không muốn làm hoặc không thể làm khi NN đã tạo thuận lợi.
Thứ hai, Nhà nước nắm giữ những gì quan trọng nhất của quốc gia như khai thác dầu khí, truyền tải điện, công nghiệp quốc phòng… không đề cập đến việc kinh tế Nhà nước là chủ đạo vẫn đảm bảo nền kinh tế của chúng ta theo định hướng XHCN, quan tâm đến những vấn đề xã hội thông qua các công cụ điều tiết nền kinh tế như thuế, chính sách khuyến khích hỗ trợ…
Cùng về nội dung này, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho ý kiến khoản 1 điều 54 hiến định về các thành phần kinh tế.
Dự thảo đưa ra 3 phương án, nếu chọn 1 và 2 thì lấy kinh tế Nhà nước là chủ đạo, hoặc ưu tiên khuyến khích một thành phần kinh tế nào đó trong Hiến pháp, theo đại biểu, là điều không phù hợp.
Hiến pháp là đạo luật gốc, chỉ nên ghi nhận nguyên tắc và thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu. Mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước là mục đích bất biến, từng thời kỳ, các chính sách được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với quá trình phát triển. Điều này chỉ nên luật định chứ không nên hiến định.
Đại biểu Nguyễn Trọng Nhân lựa chọn phương án 3 của dự thảo: “Nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường, định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”. Đại biểu cho rằng, với việc công bố nguyên tắc như vậy là phù hợp với cương lĩnh và qui định tại khoản 2 điều này. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật. Tôi nhấn mạnh từ “bình đẳng” tại khoản 2, Điều 54 vô cùng ý nghĩa và đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng của đại bộ phận cộng đồng DN trong cả nước, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài đang và mong muốn làm ăn tại Việt Nam. Hơn hết, qui định như vậy là nhất quán mục tiêu công bằng xã hội đã thể hiện trong phần kết của Lời nói đầu.
Cùng lựa chọn phương án 3 của bản dự thảo, đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, qui định như vậy là đã đầy đủ, đảm bảo bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.
Tuy nhiên, đại biểu Trương Thị Thu Trang (đoàn Tiền Giang) lại cho rằng, cần khẳng định tính chủ đạo của kinh tế Nhà nước để thể hiện được rõ hơn bản chất kinh tế thị trường định hướng XHCN của nền kinh tế.
Doanh nhân cũng cần có vị trí trong Hiến pháp?
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Lê Văn Tân (đoàn Hà Nam) cho ý kiến về việc xác định vị trí của đội ngũ doanh nhân trong liên minh giai cấp được thể hiện trong Hiến pháp.
Trong nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, khi nước nhà hội nhập sâu rộng với quốc tế cả về chính trị, kinh tế, an ninh… thì đội ngũ doanh nhân ngày càng trở nên lớn mạnh.
Doanh nhân là đội ngũ sản xuất, giải quyết việc làm cho các thành phần kinh tế, xã hội. Xã hội muốn phát triển thì đương nhiên rất cần đội ngũ này. Và thực tế, trong những năm qua, nhất là khi chúng ta mở cửa hội nhập quốc tế, tham gia WTO, đội ngũ này phát triển nhanh chóng và chắc chắn sắp tới đội ngũ này cũng tăng rất nhanh.
Các giai tầng khác trong xã hội cũng như vậy. Như vậy, chỉ nói nền tảng là liên minh giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức là chưa đủ trong thời kỳ hội nhập.
Mặt khác, Đảng ta cũng khẳng định đại đoàn kết dân tộc là động lực cho sự phát triển, cho nên, “để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tôi đề nghị sửa khoảng 2, Điều 2 dự thảo: Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc”- đại biểu Tân nói./.
Điều 54 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đưa ra 3 phương án về các thành phần kinh tế như sau:
Phương án 1: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Phương án 2 : Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Phương án 3: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn