Nhân viên thú y phun thuốc tiêu độc, khử trùng cho đàn gia cầm ở vùng bị dịch. |
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, các tỉnh phía bắc chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục tây bắc - đông nam đi qua Bắc Bộ hoạt động yếu nên trời nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác chủ yếu vào đêm và sáng sớm. Nắng nóng ở khu vực miền trung đã giảm bớt do có khối không khí biển mang hơi ẩm từ biển lấn vào, đới gió đông ẩm của khối khí này mạnh nên trời nhiều mây, gió tây khô nóng suy giảm, độ ẩm không khí tăng lên. Tây Nguyên và Nam Bộ thời tiết tốt, ban ngày trời nắng, chiều tối và đêm có thể có mưa dông.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 20.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid; 5.000 lít Han-Iodine từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Ninh Bình phòng, chống dịch cúm gia cầm. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ 10.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid và 5.000 lít Han-Iodine. Tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ 10.000 lít hóa chất sát trùng Benkocid.
Khoảng 17 giờ chiều 31-8, tại khu vực núi Tam Thai thuộc tổ 16, khu vực 5, phường An Cựu, TP Huế (Thừa Thiên - Huế), đã xảy ra cháy thiêu rụi gần một ha rừng thông cảnh quan hơn 25 năm tuổi. Các lực lượng công an, quân sự, dân phòng và nhân dân trong vùng đã khẩn trương đến hiện trường dập tắt đám cháy. Nguyên nhân ban đầu xác định có khả năng do người dân lên thắp hương, viếng mộ và đốt vàng mã trong ngày lễ Vu Lan đã bất cẩn làm lửa bén lá khô gây ra cháy rừng.
Chiều và tối cùng ngày, mưa to kèm theo lốc xoáy diễn ra gần 20 phút khiến nhiều cây xanh trên địa bàn TP Huế bị gãy, bật gốc, nhiều cành cây vương vãi khắp các tuyến đường, gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông. Nhiều tuyến phố Nguyễn Huệ, Ðống Ða, Ngô Quyền, Phan Bội Châu... có nhiều cây xanh bị gãy đổ, bật gốc. Tại tuyến đường Nguyễn Huệ có 4 cây to bị đổ gãy, một cột điện chiếu sáng cũng đổ nghiêng chắn ngang đường.
Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống bão, xâm thực và biến đổi khí hậu, bảo vệ hơn 37 nghìn ha đất canh tác khu vực duyên hải Gò Công, tỉnh Tiền Giang tập trung nâng cấp và xử lý 600 m đê bị sạt lở do sóng biển tiến công, kè xi-măng 500 m đê bắc cống Rạch Bùn, thi công hai tuyến đê nhánh bắc và nam kênh Trần Văn Dõng dẫn vào cống Rạch Bùn cùng một số công trình phụ trợ khác của đê biển Gò Công qua địa phận các xã Tân Ðiền và Tân Thành, huyện Gò Công Ðông với tổng kinh phí 30 tỷ đồng.
Tại Trà Vinh, dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi cá da trơn xuất khẩu đã được triển khai tại địa bàn xã Ðức Mỹ, huyện Càng Long trên diện tích 261 ha. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 102 tỷ đồng từ nguồn vốn T.Ư hỗ trợ và ngân sách của tỉnh. Dự án sau khi hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản việc cung cấp và tiêu thoát nước, phục vụ nhu cầu nuôi cá da trơn xuất khẩu.
Tỉnh Thanh Hóa tập trung chuyển diện tích 42,55 ha đất một vụ lúa hiệu quả kinh tế thấp tại hai huyện: Nông Cống và Quảng Xương sang trồng cói, nâng diện tích trồng cói của toàn tỉnh lên 2.390 ha. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2015 tăng sản lượng cói đạt 85 tạ/ha, giá trị thu nhập trên một ha đất canh tác cói đạt hơn 200 triệu đồng, giá trị xuất khẩu cói từ nguyên liệu thô và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cói đạt 10 triệu USD/năm.
Tỉnh Gia Lai đề xuất với T.Ư bố trí thêm vốn hỗ trợ để đào tạo, bồi dưỡng nghề cho các xã viên và cán bộ quản lý HTX sản xuất có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Toàn tỉnh hiện có 73 HTX nông nghiệp. Tuy số lượng HTX nông nghiệp trên địa bàn có tăng, song chất lượng hoạt động còn nhiều yếu kém. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị doanh thu của các loại hình HTX đạt hơn 250 tỷ đồng, trong đó các HTX nông nghiệp chỉ đạt khoảng 3,6 tỷ đồng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn