Hướng đi đúng, nhưng... Năm 2011, Vĩnh Long có khoảng 8.500ha khoai lang, tăng 2.500ha so với năm 2010. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2012, tỉnh có gần 9.800ha khoai lang (riêng Bình Tân trồng hơn 9.000ha). Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Việc gia tăng diện tích, sản lượng khoai lang là phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh. Khoai lang trồng luân canh với cây lúa làm tăng độ phì nhiêu của đất, cắt được nguồn sâu bệnh so với sản xuất lúa liên tục. Nhờ đó, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng mạnh. Trồng khoai lang không những hiệu quả sản xuất tăng 3-5 lần so với sản xuất lúa mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương”. Giá thu mua khoai lang những năm qua tương đối ổn định, khoai lang tím Nhật 6.000-7.000 đồng/kg, nghịch vụ 9.000 -10.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 19.000 đồng/kg. Hiệu quả mang lại từ cây khoai lang khá rõ. Thế nhưng, việc nông dân vì lợi nhuận trước mắt, trồng ồ ạt, vượt quá quy hoạch của ngành nông nghiệp (chỉ tăng từ 500-700 ha/năm) làm cung vượt cầu để lại nhiều hệ lụy. Ông Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường Đại học Cần Thơ) phân tích: “Hiện, khoai lang chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên dễ bị thao túng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đánh vào tâm lý hám lợi của nông dân, thương nhân Trung Quốc dần chiếm lĩnh thị trường và thiết lập giá thu mua theo ý muốn. Phương pháp thu mua giữa thương nhân Trung Quốc và nông dân đều không thông qua hợp đồng; sản lượng, quy cách thu mua luôn có sự thay đổi làm cho nông dân gặp khó khăn trong việc cân đối diện tích sản xuất và chọn thời điểm thu hoạch”. Chung tay tìm “đầu ra” Tại Hội thảo giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ khoai lang Bình Tân do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long tổ chức tại TP.Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng: Thị trường Trung Quốc, “đầu ra” chính của khoai lang Bình Tân, hiện rất bấp bênh. Do đó, Vĩnh Long phải năng động hơn trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường sang các nước nhập khẩu nhiều khoai lang như: Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản, Italia... Ông Sơn Văn Luận, Chủ nhiệm Hợp tác xã khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân chia sẻ: “Để tìm đầu ra cho khoai lang, chúng tôi đã ký kết hợp đồng cung cấp từ 10-20 tấn khoai lang/tuần, với giá 7.500 đồng/kg sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Singapore. Quan hệ mua bán bước đầu khá tốt, các đối tác hứa hẹn sẽ ký hợp đồng dài hạn trong thời gian tới”. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng nên Vĩnh Long có thể trồng khoai quanh năm. Vì thế, một số ý kiến đề xuất, ngành nông nghiệp tỉnh cần phân bố lịch thời vụ trồng khoai rải đều trong năm. Ông Đệ cho rằng: “Vĩnh Long cần đề ra kế hoạch cụ thể trong việc quy hoạch và quản lý vùng sản xuất khoai lang để khai thác có hiệu quả cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Song song đó, để khoai lang Vĩnh Long “vươn xa”, ngoài việc ràng buộc các hợp đồng tiêu thụ, ngành nông nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu; đầu tư công nghệ sản xuất, đóng gói, chế biến để nâng cao chuỗi giá trị cây khoai lang”. “Để nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, tỉnh sẽ tập hợp những người sản xuất khoai lang theo quy mô hợp tác xã để dễ quản lý, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ... Người trồng khoai phải tuân thủ đúng quy hoạch, lịch thời vụ do ngành nông nghiệp khuyến cáo, trồng luân canh khoai với lúa hoặc các loại hoa màu khác. Song song đó, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tăng cường công tác dự báo thị trường, hỗ trợ xuất khẩu theo đường chính ngạch; đầu tư kho chứa... để chủ động trong khâu bảo quản, quyết định giá bán”, ông Liêm nói. Mỹ Thanh Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn