Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận hội nghị.
Qua 2 năm thực hiện Đề án nửa triệu con gia súc, các cấp, các ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, phối kết hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đến hết tháng 01/2020, toàn tỉnh đã tăng được 28.599 con trâu, bò, tỷ lệ tăng đạt 99,6% so với kế hoạch hàng năm, đạt 25% so với Đề án. Tại các huyện, tổng đàn trâu, bò hiện có là 292.408 con, đạt 72,38% so với Đề án, tăng 37% so với năm 2017 trước khi thực hiện Đề án; xuất bán được 72.947 con trâu, bò, tăng 25,6% so với năm 2017; xây dựng mới được 8 chợ buôn bán, phát triển được 137 gia trại. Đã thụ tinh nhân tạo cho thành công cho 7.421 con trâu, bò. Thông qua thụ tinh nhân tạo đã tạo ra được một thế hệ mới có giá trị cao, khẳng định một bước tiến mới về khoa học công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, Đề án nửa triệu con gia súc đã góp phần tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi từ 28,36 năm 2017 lên 29,11 trong năm 2019; nhận thức và quan điểm lãnh đạo tại cấp huyện đã có sự thay đổi rõ rệt từ đầu vào đến đầu ra trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra các giải pháp chính, trong đó yêu cầu các huyện/thành phố cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn của tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền; tổ chức thực hiện đồng loạt cùng thời điểm việc tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng; nắm bắt chắc tình hình diễn biến dịch bệnh để tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn...
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP qua thời gian triển khai thực hiện đã và đang đem lại hiệu ứng tích cực, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hiện các cấp, các ngành vẫn đang nỗ lực triển khai đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại và khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường rà soát, xây dựng, công bố, hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Qua ý kiến phát biểu của các huyện và thực tế cho thấy, ngành chăn nuôi của tỉnh chưa có sự bứt phá mạnh, chưa tạo được cơ chế, thị trường nên chưa tạo được sự hứng thú cho người dân. Việc tận dụng và tranh thủ các nguồn chính sách còn chưa linh hoạt. Đặc biệt, cách tuyên truyền còn hạn chế; cán bộ làm chuyên môn chưa được quan tâm đào tạo, tập huấn tại cấp cơ sở. Bên cạnh đó vấn đề phối kết hợp, khâu nối giữa các bộ phận, giữa các cấp, các ngành còn hạn chế dẫn đến chưa thống nhất được trong triển khai thực hiện.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các huyện và các đơn vị chuyên ngành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến kết luận: Đối với các huyện, xã tập trung chỉ đạo chặt chẽ phòng chống dịch bệnh cho trâu, bò, tiêm phòng phải thật sự “đến, đủ, hết” cho gia súc tại từng hộ, thôn; yêu cầu các huyện đề xuất mở thêm chợ gia súc để thuận tiện trong tiêu thụ trâu, bò tại địa phương; xây dựng phương án thành lập Hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò; nghiên cứu việc sử dụng Quỹ thôn gắn với hoạt động của Hợp tác xã. Các huyện tập trung phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm đảm bảo tỷ trọng cơ cấu trong chăn nuôi. Chỉ đạo quyết liệt các thôn trên địa bàn việc tiêu độc khử trùng đối với các hộ chăn nuôi, gắn trách nhiệm của thôn vào nhiệm vụ giao; quy định nghiêm ngặt trong việc thông báo cho chính quyền khi có dịch; các huyện giáp ranh củng cố lại các trạm giao thông nối với các tỉnh bạn; rà soát số gia cầm cần tiêm phòng để có kế hoạch tiêm phòng cụ thể; rà soát lại thủ tục thành lập Hợp tác xã nông nghiệp; giải pháp chống dịch.
Đối với các sở, ngành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu rà soát, đề xuất lại kế hoạch tái đàn phù hợp với thực tế; lựa chọn đơn vị cung ứng giống tốt nhất, có bảo hành để thống nhất cung ứng cho người dân theo cơ chế thị trường. Tập trung đưa ra giải pháp nâng sao đối với sản phẩm Ocop, trừ những sản phẩm nào được đánh giá thật sự có tiềm năng thì mới tập trung nâng sao trong năm 2020. Mỗi huyện chọn từ 3-5 sản phẩm đặc trưng của huyện mình để tập trung triển khai trong năm 2020. Phó Chủ tịch lưu ý, từ tháng 4/2020 nghiêm cấm việc chi trả hỗ trợ cho cán bộ thú y kiêm nhiệm nếu chưa qua lớp tập huấn chuyên ngành.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn