Thăng trầm
Lịch sử cho thấy, bưởi Phúc Trạch đã từng chinh phục nhiều “đỉnh đồ thị hình sind”. Năm 1936, bưởi Phúc Trạch được tặng thưởng Mề đay trong đấu xảo thuộc địa tại Pháp. Tiếp đó, được khen thưởng đặc biệt tại cuộc thi đấu các “giống trái tốt và ngon” do Pháp tổ chức tại Hà Tĩnh năm 1938. Năm 2002, bưởi Phúc Trạch là một trong 7 cây ăn quả của cả nước được Bộ NN-PTNT công nhận là cây ăn quả quý cấm xuất khẩu giống; năm 2004, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa; năm 2010, được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch”...
Cán bộ Trại giống Bưởi Phúc Trạch hướng dẫn người dân thụ phấn bổ sung cho bưởi. |
Năm 2006, diện tích bưởi Phúc Trạch đạt khoảng 1.423 ha, đến năm 2011 chỉ còn 688 ha. Trong 688 ha bưởi hiện tại thì chỉ có 20% diện tích sinh trưởng tốt. Nguyên nhân là bưởi liên tục mất mùa nên người dân địa phương không còn mặn mà với cây đặc sản quý này mà chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế hơn.
Từ sau năm 1997, bưởi Phúc Trạch bắt đầu mất mùa, đặc biệt, các năm 2003, 2005, 2009 gần như cây không cho quả. Không chỉ mất mùa, chất lượng quả cũng giảm do độ brix (độ ngọt). Bưởi Phúc Trạch mất mùa có nhiều nguyên nhân. Theo anh Võ Tá Phong - Trại trưởng Trại Giống bưởi Phúc Trạch (Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh) cho biết: Khí hậu những năm qua ảnh hưởng mạnh đến quá trình ra hoa và đậu quả của cây bưởi. Nhiệt độ cao, độ ẩm thấp làm cho sức sống của hạt phấn kém, khó tung phấn, từ đó quá trình thụ phấn của cây bưởi không bảo đảm. Sương muối làm hoa rụng, mực nước ngầm thấp, nước tưới lại không đủ trong thời điểm cây ra hoa làm giảm khả năng thụ phấn. Cây bưởi ít được chăm sóc đúng cách, cây giống không đảm bảo, đất nghèo dinh dưỡng, sâu bệnh nhiều nên sinh trưởng kém khiến nhiều cây ra hoa bất bình thường, phát dục không theo quy luật…
Tín hiệu hồi sinh
Trước thực trạng đó, việc ứng dụng KHKT vào chăm sóc cây bưởi là vô cùng quan trọng. Năm 2012, Bộ KH&CN, Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư và Sở KH&CN Hà Tĩnh đã nghiên cứu thành công đề tài thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch.
Bưởi Phúc Trạch. Ảnh: internet |
Ông Lê Đình Doãn – Trưởng phòng Quản lý khoa học - Sở Khoa KH&CN Hà Tĩnh cho biết, việc nghiên cứu xác định phương pháp, thời điểm thụ phấn bổ sung, mật độ cây cho phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch phải qua nhiều công thức thí nghiệm. Việc thụ phấn bổ sung bằng tay góp phần nâng cao tỷ lệ đậu quả của bưởi Phúc Trạch. Các phương pháp khác như phun hỗn hợp phấn với dung dịch nước, hỗn hợp phấn với bột gạo hay hỗn hợp phấn với bột đá đều cho tỷ lệ đậu quả cao hơn so với đối chứng, trên thực tế, bà con nông dân vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp thụ phấn bằng tay. Tuy nhiên, số hạt/quả của bưởi Phúc Trạch còn tương đối cao (102–111 hạt/quả). Đây được coi là hạn chế lớn nhất về phẩm chất của giống bưởi Phúc Trạch cần phải có các nghiên cứu tiếp theo nhằm giảm số hạt/quả để nâng cao hơn nữa giá trị của quả.
Năm 2014, Sở NN-PTNT quyết định thành lập đoàn công tác chỉ đạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật khắc phục tình trạng ra hoa, đậu quả không ổn định của cây bưởi Phúc Trạch do ông Lê Anh Ngọc - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông làm trưởng đoàn. Đoàn công tác với nhiệm vụ trọng tâm phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Hương Khê chỉ đạo, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật đến tận các hộ trồng bưởi nhằm khắc phục tình trạng ra hoa, đậu quả không ổn định của cây bưởi Phúc Trạch vụ quả 2014.
Theo đó, thời gian tới sẽ chú trọng phát triển bền vững, quan tâm chất lượng cây hơn là về diện tích. Việc hướng dẫn kỹ thuật sẽ được tiến hành trực tiếp, đến tận hộ dân, cầm tay chỉ việc, coi trọng thực hành hơn tập huấn. Để người dân trồng bưởi tiếp thu được KHKT thì không chuyển giao cùng một lúc mà chia thành nhiều giai đoạn. Đầu tiên sẽ hướng dẫn người dân chăm sóc, đầu tư phân bón, vật tư để phục hồi các vườn bưởi. Sau đó sẽ hướng dẫn họ ứng dụng các tiến bộ KHKT nhằm tăng cường quá trình ra hoa, đậu quả, trong đó có nhiều công đoạn nhỏ như hướng dẫn chăm sóc cây, các biện pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh, tưới nước, hạn chế ảnh hưởng của các điều kiện ngoại cảnh, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón qua lá, qua hoa, thụ phấn bổ sung. Cuối cùng, chuyển giao kỹ thuật tỉa, giữ quả, tăng trọng lượng quả, cách thu hoạch…
Anh Võ Tá Phong khẳng định, thụ phấn bổ sung là một trong những công đoạn quan trọng nhất. Dùng hạt phấn của bưởi Phúc Trạch thực sinh (bưởi Phúc Trạch được trồng theo phương pháp gieo hạt - PV) hoặc phấn bưởi chua quét vào đầu nhụy của bưởi Phúc Trạch 3-4 lần. Khi lấy phấn phải chọn hoa khỏe đã nở hoàn toàn trước khi hoa tung phấn. Hoa bưởi chỉ tung phấn trong những khoảng thời gian nhất định nên chỉ thụ phấn vào thời điểm hoa tung phấn thì mới có hiệu quả (buổi sáng từ 7h30’-10h30’, chiều từ 13h30’-16h30’). Cứ 8 cây bưởi Phúc Trạch cần trồng 1 cây bưởi thực sinh để đảm bảo đủ hoa bưởi thực sinh thụ phấn.
Ông Lê Anh Ngọc - vui mừng trước những tín hiệu lạc quan của cây bưởi Phúc Trạch khi áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung. Năm 2014, đoàn công tác sẽ phối hợp chuyển giao cho khoảng 2.000 hộ trồng bưởi, hiện tại đã chuyển giao cho hơn 1.500 hộ trên địa bàn 16 xã của huyện Hương Khê. Ông Lê Anh Ngọc cũng khẳng định, việc thụ phấn bổ sung bằng phấn hoa bưởi thực sinh không hề ảnh hưởng đến chất lượng của bưởi Phúc Trạch.
DƯƠNG ĐỨC CHIẾN
nGUỒN: BAOHATINH.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn