Sóng thần, động đất, mưa lũ, nước biển xâm lấn… Và những nỗi đau về những phận người bị mưa lũ cuốn trôi, bị sập đất vùi dập; … Rất kinh hoàng nhưng tất cả lại là những thảm cảnh quá quen thuộc đối với chúng ta. Đó cũng chính là những ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra.
Nguyên nhân của biến đổi khí hậu, theo các nhà khoa học, chiếm 90% là do con người.
Hãy quan sát xung quanh cuộc sống của chúng ta. “Máu” rừng vẫn thường xuyên chảy; rác thải của các nhà máy không qua xử lý vẫn liên tục “đổ” về các dòng sông; những bao rác thải được người dân tùy tiện “tống” ra đường… Và việc lạm dụng các tài nguyên…
Rác "tấp" hai bên đường Quốc lộ 1 A đoạn qua xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) |
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, chúng ta cũng đã có rất nhiều hành động tích cực từ “vĩ mô” cho đến “vi mô” và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để triển khai các hoạt động. Ở Hà Tĩnh, việc ứng phó biến đổi cũng đã có nhiều kết quả tích cực; đã xuất hiện nhiều mô hình thiết thực trong người dân và thế hệ trẻ. Hầu hết, các Chi hội phụ nữ và các cơ sở Đoàn Thanh niên tại các địa phương đều có các đoạn đường tự quản; hàng trăm chi hội phụ nữ đã và đang xây dựng chi hội xanh sạch đẹp. Đặc biệt, ở các trường học cũng đã xây dựng và nhân rộng được các mô hình thu gom rác thải, phân loại rác , tập kết cho các nhà tái chế…
Tuy nhiên, bên cạnh những hành động tích cực vẫn còn quá nhiều hình ảnh phản cảm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với vấn đề môi trường. Trên nhiều tuyến đường còn thường xuất hiện các đống rác ‘vô kỷ luật”; nhiều dòng sông vẫn được xem là nơi “tập kết” rác của những người dân sống xung quanh; nhiều công sở vẫn dùng điện một cách xả láng… Còn rất nhiều người cho rằng bảo vệ môi trường, VSMT là việc của các ngành chức năng, của các cấp chính quyền?!
Chiến dịch “làm cho thế giới sạch hơn” năm 2012 là một trong những hoạt động cấp bách, cần thiết nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; kêu gọi trách nhiệm chung của toàn cầu, toàn xã hội, và từ mỗi cá nhân vì nơi sinh sống của chúng ta, hành tinh của chúng ta… Vì vậy, không chỉ dừng lại ở những động hưởng ứng mà mỗi người dân cần xem các hoạt động “làm cho thế giới sạch hơn” là việc làm thường xuyên, hàng ngày, là trách nhiệm chính đối với bản thân mình.
Hãy bắt đầu từ việc làm nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày của chúng ta như sử dụng tiết kiệm điện, nguyên nhiên liệu; thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải; hạn chế sử dụng túi nilon; bỏ rác đúng nơi quy định; tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh khu vực gia đình và nơi sinh sống của chính mình; tuyên truyền mọi người trong gia đình, cơ quan, cộng đồng cùng có ý thức bảo vệ môi trường; lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường...
Thục Chi
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn