Khách mua hết lời ngợi khen
Gần một tháng qua, có hàng trăm người đã lặn lội cả trăm cây số đến thôn 6, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp- một xã vùng xa của tỉnh Đắk Lắk- để tìm vào nhà ông Dương Đức Châm. Ông Châm nay đã 53 tuổi, một lão nông chính hiệu và chẳng có gì đặc biệt nhưng vườn táo sạch trĩu quả của ông lại có sức hấp dẫn rất lớn.
Ông Dương Đức Châm nói sẽ đầu tư trồng thêm táo vì cây trồng này hợp với vùng đất cằn cỗi, khô hạn.
Vào một ngày cuối tuần, tại vườn táo của ông Châm, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm người đến tham quan và mua táo. Chị Nguyễn Thị Thu Hà một người đến từ TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nói với chúng tôi: "Nghe mọi người kháo nhau về vườn táo này nên tranh thủ ngày nghỉ gia đình vào đây chơi. Phải công nhận vườn táo của ông Châm rất ngon, chất lượng khác hẳn so với các loại táo mua ngoài chợ".
Không chỉ chị Hà, nhiều khách đến mua cũng đều tấm tắc khen táo của ông Châm rất hấp dẫn, ăn giòn ngọt. Đặt biệt, họ có thể tự tay hái những quả táo mình thích rồi ăn ngay tại chỗ, cảm giác rất thích thú.
"Tôi từ TP.Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên du lịch. Nghe nói ở đây có vườn táo rất ngon nên tôi ghé thăm. Đây có thể nói là một trải nghiệm rất thú vị của tôi trong chuyến du lịch này. Vườn táo của ông Châm rất đặc biệt, rất ngon"- một khách mua táo nói.
Chủ nhân vườn táo-ông Dương Đức Châm cho biết, gần một tháng qua, ngày nào cũng có khách đến thăm quan và mua táo. Ban đầu khi vườn táo mới bước vào thu hoạch chỉ lác đác dăm người, nhưng hiện nay có ngày gia đình ông Châm tiếp cả trăm khách. Đặc biệt vào các ngày cuối tuần, số khách đến mua táo của ông Châm tăng lên rất đáng kể.
"Vườn táo của tôi là giống táo Đài Loan, được trồng bằng phân hữu cơ và hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế, người mua rất thích và rất yên tâm. Ban đầu, khi tôi bắt đầu bán táo, họ chỉ đến mua lác đác, nhưng giờ khách tự giới thiệu cho nhau nên số khách vào mua ngày càng đông lên..."- ông Châm nói.
Buộc đất cằn sinh trái ngọt.
Ông Dương Đức Châm kể với chúng tôi, nhiều năm qua, ông đến xã Cư M'Lan thuê đất sản xuất. Nhưng đất này cằn cỗi, khô hạn thường xuyên nên dù đã rất cố gắng, kinh tế của gia đình ông Châm vẫn chẳng khá hơn.
Du khách thích thú được tự tay thu hoạch và thưởng thức những quả táo thơm ngon tại vườn.
Nghĩ phải có cách gì đó để chinh phục mảnh đất này, ông Châm lên mạng internet tìm kiếm thông tin. Sau một thời gian, cuối cùng ông đã học được cách trồng táo trên đất khô hạn. May mắn nữa, ngay sau đó, trong một lần vào thăm người thân ở tỉnh Tây Ninh, ông Dương Đức Châm đã tận mắt được tham quan mô hình trồng táo trên đất cằn cỗi.
Chẳng còn ngần ngại nữa, ngay sau khi trở về Ea Súp, ông liền vay tiền, khoan giếng, đầu tư hệ thống tưới tiêu, chuẩn bị 1,4 ha đất để trồng táo. Sau đó, ông đặt mua 750 cây táo giống Đài Loan từ Hà Nội về trồng.
"Tôi đầu tư vào vườn táo hết khoảng 200 triệu đồng. 10 tháng qua, vườn táo phát triển ổn định và bắt đầu cho thu hoạch. Gần một tháng qua, tôi đã bán được khoảng 100 triệu đồng, dự kiến đến vụ tới, sẽ hoàn vốn và bắt đầu thu lãi"- ông Dương Đức Châm cho biết.
Cũng theo ông Châm, qua thực tế cho thấy cây táo khá phù hợp với vùng đất khô cằn Ea Súp. Không chỉ cây không bệnh tật mà chất lượng táo cũng rất tốt, trái to, ăn ngọt, thơm. Chính vì vậy ông Dương Đức Châm đã quyết định tiếp tục đầu tư trồng thêm 2 ha nữa trong thời gian tới.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn