Là tỉnh vùng cao biên giới, xuất phát điểm thấp, vậy nhưng sau gần 30 năm tái lập, Lào Cai trở thành điểm sáng của khu vực. Song với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và là tỉnh khá của cả nước đòi hỏi Lào Cai cần có lộ trình phát triển đô thị phù hợp nhằm phát huy tối đa những lợi thế vốn có và khơi dậy các tiềm năng chưa được khai thác. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng phát mạnh mẽ, việc xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh sẽ có khả năng tạo ra giải pháp đột phá trong giải quyết những vướng mắc về công tác quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị; cung cấp hiệu quả nhất các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật cho đô thị; quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên; quản lý môi trường…
Điểm sáng xây dựng đô thị thông minh Đầu năm 2018, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Đề án thí điểm phát triển đô thị thông minh tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018-2025 tại Quyết định số 487/QĐ-UBND ngày 07/02/2018. Theo đó, Tỉnh lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên, gồm: Du lịch, giáo dục, y tế, giao thông, môi trường, cảnh báo thiên tai và chính quyền điện tử. Lào Cai đã hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trong nhiều lĩnh vực để đẩy nhanh xây dựng ĐTTM.
Sau hơn một năm tích cực triển khai, việc xây dựng đô thị thông minh đã đạt được những kết quả nhất định. Lào Cai đã đưa vào sử dụng bộ 3 phần mềm du lịch thông minh gồm: Cổng thông tin du lịch; Ứng dụng du lịch trên điện thoại thông minh; Phần mềm quản lý lưu trú. Đối với lĩnh vực Y tế thông minh, đang tiến hành triển khai đồng bộ phần mềm quản lý, lưu trữ và truyền tải hình ảnh đến các bệnh viện trên toàn tỉnh nhằm số hóa dữ liệu ngành y tế; triển khai sổ sức khỏe điện tử đồng bộ với phần mềm quản lý chung tại các bệnh viện; thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý ngành Giáo dục và Đào tạo, thí điểm triển khai một số hạng mục về Giáo dục thông minh như: Lớp học thông minh; hệ thống Cổng thông tin điện tử của ngành; Thư viện học tập trực tuyến; Thẻ học sinh thông minh...
Riêng đối với lĩnh vực môi trường, Tỉnh đã triển khai hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động tại KCN Tằng Loỏng, hiện có 10/12 nhà máy đã kết nối, trong đó có 04 nhà máy đã được phân tích số liệu môi trường để cảnh báo. Song song với đó, Tỉnh thực hiện đầu tư các trạm đo mưa tự động, các hệ thống quan trắc mực nước, cảnh báo lũ sớm; đang nghiên cứu xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường.
Về Giao thông thông minh, đang triển khai thử nghiệm một số vị trí lắp đặt Hệ thống Camera giám sát giao thông thông minh tại một số khu vực có mật độ phương tiện giao thông lớn, vị trí trọng yếu tại thành phố Lào Cai, khu vực cửa khẩu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Lào Cai bước đầu được hình thành (tạm thời đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông). Hiện đã tích hợp được hệ thống Camera quan sát du lịch tại 3 điểm du lịch của tỉnh và các hệ thống camera quan sát của thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, huyện Bảo Thắng; được tích hợp và thử nghiệm các hệ thống như: Cảnh báo cháy tự động (safeone), Hệ thống cảnh báo thời tiết, Hệ thống Camera đếm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tại 01 điểm trên quốc lộ 4D (nút Cốc San), Hệ thống bảo vệ uy tín lãnh đạo, tổng hợp thông tin báo chí trên mạng xã hội. Tỉnh đã triển khai triển khai thí điểm hệ thống giám sát, tự động phân tích và cảnh báo những phản ánh của người dân về chính quyền trên báo chí.
Đáng chú ý mới đây nhất, Lào Cai ứng dụng Zalo trong công tác truyền thông và xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai. Theo đó, triển khai mô hình Chính quyền thông minh của Lào Cai trên zalo với tên gọi “Cổng hành chính công Lào Cai” để cung cấp dịch vụ hành chính công, văn phòng điện tử, hệ thống tương tác giữa người dân với cơ quan nhà nước, cung cấp thông tin đến người dân nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Giao diện Cổng hành chính công tỉnh Lào Cai trên ứng dụng Zalo Và hành trình hướng đến 4.0 Kết quả đạt được trong xây dựng đô thị thông minh của Lào Cai cho thấy quyết tâm của tỉnh. Song xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã và đang gặp không ít những khó khăn vướng mắc. Trong đó đáng chú ý là một số đơn vị còn thiếu kiên quyết, chưa đảm bảo tiến độ. Tỉnh đã đầu tư, xây dựng hoặc thuê dịch vụ CNTT, triển khai nhiều hệ thống phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, chưa có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin vẫn còn có những vướng mắc. Hơn nữa, phát triển ĐTTM yêu cầu phải có nguồn lực đầu tư lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp và phải chia sẻ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội khác nhau. Bên cạnh đó, năng lực của bộ máy chính quyền hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu quản trị trong thời đại công nghệ số...
Trước những khó khăn đó, Lào Cai đang lựa chọn mô hình xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở từ đô thị cũ, vì như vậy sẽ tận dụng được hạ tầng sẵn có từ đô thị cũ, giảm bớt chi phí. Tỉnh đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ như Viettel, VNPT, Zalo… về việc tham gia cung cấp các giải pháp cho đô thị thông minh. Các doanh nghiệp này đã và đang sẵn sàng hợp tác với tỉnh để triển khai, theo hình thức doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư giải pháp để cung cấp dịch vụ.
Cụ thể, VNPT đang hoàn thiện khung kiến trúc tham chiếu về đô thị thông minh, các chuẩn kết nối, tích hợp cho các hệ thống và dịch vụ đô thị thông minh; đề xuất mô hình và giải pháp cho Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh; tiếp tục nghiên cứu đề xuất triển khai thí điểm xây dựng thô thị thông minh trên địa bàn thành phố Lào Cai; nâng cấp một số tính năng cho hạng mục Trung tâm ứng cứu khẩn cấp; đặt hàng với các tập đoàn công nghệ về các chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc vận hành đô thị thông minh. Hay Viettel cung cấp giải pháp cho phát triển giáo dục thông minh; VNPT lo cho việc xây dựng Chính quyền điện tử, triển khai Wifi tại các trọng điểm du lịch…
Và để xây dựng ĐTTM, Lào Cai đang ứng dụng triệt để công nghệ thông tin không chỉ với bộ máy hành chính để nâng cao công tác quản lý, điều hành, mà còn đối với tất cả mọi lĩnh vực đời sống, xã hội liên quan trực tiếp người dân, doanh nghiệp... Lào Cai mong muốn, khi xây dựng đô thị thông minh người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các lĩnh vực trong cuộc sống. Chẳng hạn như, người dân chỉ cần với thiết bị điện tử cầm tay (điện thoại, iPad...), có thể dễ dàng lựa chọn dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, biết được tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh; người dân, doanh nghiệp có thể ở nhà nộp hồ sơ, thanh toán chi phí thủ tục qua mạng, rồi nhận kết quả thông qua bưu điện, không để người dân, doanh nghiệp mang hồ sơ chạy lòng vòng…
Với cách làm đó tin tưởng rằng, xây dựng đô thị thông minh sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy kinh tế của tỉnh Lào Cai phát triển, góp phần nhân rộng mô hình này trong chiến lược phát triển đô thị của cả nước trong thời gian tới./.
Theo Thùy Linh/laocai.gov.vn