Mâu thuẫn ngày càng phức tạp
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau quá trình đổi mới, sắp xếp, diện tích đất tranh chấp giữa LT và người dân tính đến tháng 12/2012 có xu hướng tăng cao hơn so với trước, từ 30.446ha lên 30.618ha, trong đó có một số trường hợp ngày càng khó giải quyết, diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, con số trên chỉ là phần nhỏ của “tảng băng chìm” về tình trạng tranh chấp trong thực tế, chưa phản ánh được tính phức tạp của các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp và cách thức giải quyết tranh chấp tại các địa phương.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Báo cáo tại Hội thảo “Mâu thuẫn đất đai giữa công ty lâm nghiệp và người dân địa phương: Thực trạng và giải pháp”, do Tổ chức Forest Trends, Viện Tư vấn phát triển (CODE) phối hợp thực hiện cho thấy, tranh chấp đất lâm nghiệp giữa LT và người dân không những có xu hướng tăng mà ngày càng kéo dài, điển hình như ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), Quảng Ninh (Quảng Bình), Tương Dương (Nghệ An)...
Báo cáo cũng phân tích có 3 nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn. Thứ nhất là do người dân thiếu đất canh tác nhằm đảm bảo sinh kế, đồng thời thiếu đất cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao tại các địa bàn thực hiện nghiên cứu.
Thứ hai là do bất bình đẳng trong sử dụng đất, cụ thể là các LT đang sử dụng nhiều đất, nhiều nơi cho hiệu quả kinh tế thấp, trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất. Ở một số địa phương, chính quyền còn cắt đất từ các LT đem giao cho các công ty tư nhân để phát triển cây công nghiệp vì mục đích lợi nhuận, thay vì phải chia đất cho người dân để bà con có sinh kế làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, sự bất bình đẳng còn thể hiện trong trường hợp LT giao hợp đồng khoán và bảo vệ rừng cho người ngoài cộng đồng, thường là những người giàu mà không giao cho người dân tại chỗ, từ đó làm mất cơ hội về thu nhập và việc làm của những người dân nghèo.
Thứ ba là do việc phát triển mạnh mẽ mạng lưới thị trường hàng hóa nông sản ở vùng núi đã tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho nhiều người (bao gồm cả gỗ rừng trồng). Do đó, việc tiếp cận và kiểm soát đất đai đã trở thành cơ hội nâng cao thu nhập cho những người có tác quyền này, hệ quả là xảy ra sự cạnh tranh gay gắt về đất LN tại một số địa phương.
Ông Tô Xuân Phúc, thành viên nhóm nghiên cứu (Tổ chức Forest Trends) cho biết: Thực tế cho thấy mâu thuẫn đất đai có tác động tiêu cực về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, bởi nó làm căng thẳng mối quan hệ giữa người dân, lâm trường, chính quyền địa phương, giữa người bên trong và người bên ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó, mâu thuẫn này còn gây lãng phí thời gian và tiền bạc của các bên liên quan, làm giảm cơ hội nâng cao hiệu quả sử dụng đất và rừng, mất cơ hội liên doanh liên kết, hạn chế giá trị gia tăng cho nguồn gỗ khai thác thông qua chương trình gỗ có chứng chỉ”.
Cũng theo ông Phúc, tại nhiều địa phương, hiện nay cơ chế giải quyết mâu thuẫn đất đai giữa LT và người dân thường rơi vào tình trạng bế tắc, chủ yếu là do thiếu cơ sở pháp lý. Ví dụ như chưa có sự phân định ranh giới đất đai rõ ràng trên thực địa, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chồng chéo, thiếu nguồn lực cần thiết để giải quyết tranh chấp. Đáng chú ý là một số nơi, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc trong xử lý tranh chấp; các cơ chế hiện hành chưa thể giải quyết tận gốc những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, đó là chưa kể, các quy định hiện nay cũng đang làm hạn chế quyền của chính quyền xã trong xử lý những mâu thuẫn về đất đai và hạn chế sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự trong tiến trình giải quyết mâu thuẫn.
|
Mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân cần cơ chế giải quyết tận gốc. |
Cần rà soát, thực hiện nghiêm túc
Đến nay, một số địa phương sau khi thực hiện rà soát, sắp xếp đất đai của N-LT đã giao lại cho địa phương. Tuy nhiên, việc giao đất này phần lớn chỉ thực hiện trên giấy tờ, do đó địa phương chưa thể giao đất lại cho người dân. Ngoài ra, nguồn kinh phí để thực hiện khảo sát, đo đạc đất đai trước khi giao cho người dân đang là một “rào cản” lớn, khiến tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân vẫn tiếp diễn.
Đơn cử như tại Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc (trụ sở tại Lạng Sơn), tổng diện tích đất lâm nghiệp của đơn vị này là 21.825,8ha, sau khi sắp xếp, Công ty dự kiến trả lại cho địa phương 12.776ha, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được vì chưa có kinh phí.
Trước tình hình trên, báo cáo đã đưa ra các kiến nghị cụ thể như: Cần thực hiện tổng điều tra đánh giá, rà soát lại một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng có sự tham gia của các bên về sử dụng đất của lâm trường, đặc biệt là các lâm trường đang quản lý đất rừng sản xuất với mục đích trồng rừng tại các các địa phương và thực trạng của mâu thuẫn đất đai giữa các bên liên quan. Đánh giá, rà soát tình trạng thiếu đất sản xuất của các hộ dân và đánh giá nhu cầu đất canh tác tối thiểu của các hộ. Trên cơ sở, bóc tách của phần đất lâm trường hiện sử dụng không hợp lý (sử dụng kém hiệu quả) để giao lại cho người dân dựa trên nhu cầu canh tác tối thiểu. Phần đất còn lại (nếu còn) Nhà nước tiến hành cho thuê đất dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa các đối tượng tham gia. Đồng thời, Nhà nước cần bố trí đủ kinh phí để thực hiện việc đo đạc, giao đất lại cho người dân.
Viện Tư vấn Phát triển nhận định, để giải quyết mâu thuẫn này cần thực hiện tổng điều tra đánh giá, rà soát lại một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, có sự tham gia của các bên về sử dụng đất của lâm trường, đặc biệt là các lâm trường đang quản lý đất rừng sản xuất với mục đích trồng rừng. Thông tin có liên quan đến sự thay đổi sử dụng tài nguyên đất và tài nguyên rừng cần phải được công khai, minh bạch đối với người dân.
Bên cạnh đó, phải rà soát tình trạng thiếu đất sản xuất của các hộ dân, đánh giá nhu cầu đất canh tác tối thiểu của các hộ; bóc tách các phần diện tích đất hiện đang tranh chấp, lấn chiếm trả lại cho chính quyền địa phương làm cơ sở giao cho các hộ nhằm bảo đảm đủ diện tích đất canh tác. Minh Huệ (kinhtenongthon.com.vn) |