NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Hồng (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, đơn vị đầu mối được thành phố giao trực tiếp thực hiện Đề án RAT.
Xin ông cho biết trong năm 2015, thành phố có những chính sách gì nhằm tạo sự đột phá ở khâu thị trường trong chuỗi RAT?
RAT là sản phẩm đặc thù, bức thiết với Hà Nội. Song, nếu TƯ không có chính sách, Hà Nội sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian vừa qua, kinh phí thực hiện Đề án phần lớn vẫn tập trung hỗ trợ cho hạ tầng. Ngay như hỗ trợ khâu bảo quản sơ chế cũng chỉ thông qua lãi suất, vốn vay. Trong khi địa phương không đủ điều kiện mở nhà máy sơ chế quy mô lớn, DN cũng vậy.
Đó là lý do khiến phần lớn các DN sản xuất kinh doanh RAT chưa có nhà sơ chế quy mô quá lớn.
Sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất với TP hỗ trợ trực tiếp các DN sản xuất kinh doanh RAT các chính sách như kinh phí hỗ trợ địa điểm (mức tiền nhất định trong một khoảng thời gian); hỗ trợ biển hiệu, dụng cụ, tem nhãn; trợ giúp thủ tục hành chính, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh... Những hỗ trợ này mặc dù không tốn nhiều tiền nhưng DN lại rất cần.
Đặc biệt, trong Đề án chuỗi RAT đang được Hà Nội và Bộ NN-PTNT xây dựng, chúng tôi cũng tham mưu đưa vào một loạt các quy định về chính sách hỗ trợ bởi DN rất mong có chính sách để làm RAT quy mô lớn, chứ làm nhỏ như hiện nay khó tạo ra chuyển biến.
Quá trình đi thực tế chúng tôi nhận thấy, ngoài hỗ trợ địa điểm các DN rất cần TP trợ giúp và đẩy mạnh việc tuyên truyền nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng với RAT.
Sắp tới, chúng tôi sẽ quảng bá Tổng đài tư vấn RAT Hà Nội (1081) trên một số tuyến xe bus nhằm giải đáp, hỗ trợ, hướng dẫn những thắc mắc của người tiêu dùng, DN và người SX về RAT.
Bên cạnh đó, những câu hỏi, câu trả lời liên quan tới RAT, chúng tôi sẽ đưa vào trang web của chi cục là rauantoan.hanoi.gov.vn.
Ngoài ra, trang web còn cung cấp thông tin về các cơ sở sơ chế, sản xuất kinh doanh. Trên trang web có đầy đủ văn bản của chi cục, bản đồ số hóa về vùng SX, bản đồ kinh doanh RAT.
Người tiêu dùng có quyền tham gia kiểm soát chuỗi SX RAT nhờ sự minh bạch thông tin chứ không chỉ đơn thuần là tham gia trên danh nghĩa như thời gian vừa qua.
Vấn đề nữa là trên trang web có các clip, video của đài truyền hình (VTV, VTC, HTV...), các bài viết về RAT trên Báo NNVN, Hà Nội Mới… để người tiêu dùng theo dõi, kiểm chứng. Năm 2015 sẽ là năm cách mạng trong minh bạch hóa thông tin về RAT từ SX, sơ chế đến kinh doanh, tiêu thụ.
Nói đến minh bạch hóa thông tin, Hà Nội mới quản lý được vùng SX RAT, nhưng để rau thật sự an toàn hay không phụ thuộc lớn vào quy trình SX, đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc?
Đúng vậy! Chúng tôi mới chỉ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện SX RAT hơn 5.000 ha cho các vùng rau hoặc đủ điều kiện sơ chế, kinh doanh RAT cho các DN. Còn để rau có thật sự an toàn hay không phải do người SX và DN kinh doanh RAT công bố, cam kết và tự chịu trách nhiệm.
Nếu muốn truy xuất nguồn gốc phải có nhãn hiệu hàng hóa. Muốn có nhãn hiệu hàng hóa thì phải xây dựng được logo và bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Hạn chế hiện nay là có những cửa hàng sơ chế khi lấy sản phẩm từ nơi khác mà bản thân không tự trồng phải chứng minh sản phẩm đó an toàn thông qua hóa đơn mua bán. Nếu không sẽ bị cho là rau không rõ nguồn gốc, bị xử phạt.
Ngoài ra, Hà Nội có cái khó trong truy xuất nguồn gốc rau, bởi có tới 40% lượng rau tại Thủ đô do các tỉnh khác cung cấp.
Hơn nữa, chế tài xử lý về việc này chưa có mà chỉ nằm chung trong Nghị định 178 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP và Nghị định 114 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Năm 2015 RAT Hà Nội hứa hẹn cuộc chuyển mình mạnh mẽ
Theo ông, trong thời gian tới, ngoài liên kết 4 nhà chúng ta có nên đưa thêm “nhà tiêu dùng” vào chuỗi SX RAT thông qua việc thành lập “Hiệp hội RAT Hà Nội"?
Thực ra, trước đây Hà Nội cũng đã thành lập Hội RAT, nhưng lại tập trung ở các cơ quan quản lý, nhà khoa học, DN và người tiêu dùng tham gia chỉ có mức độ. Tôi nghĩ, Hiệp hội RAT Hà Nội nên tái khởi động và người tiêu dùng, DN sản xuất kinh doanh phải là trung tâm.
Chúng tôi có suy nghĩ, để người tiêu dùng có niềm tin, hạ giá thành, đảm bảo chất lượng, đa dạng sản phẩm, mỗi DN tham gia phải có ít nhất 100 cửa hàng RAT mới mong tạo ra sự đột phá. Nếu chỉ có một vài cửa hàng như hiện nay giữa đầu SX và đầu tiêu dùng sẽ có sự chênh lệch rất lớn.
Hà Nội đang hình thành các vùng chuyên canh rau nên chắc chắn giá thành RAT sẽ giảm. Giờ chỉ trông chờ quy mô điểm bán RAT của DN phát triển kịp.
Theo tôi, cửa hàng RAT nên phân bố trong khu dân cư, mỗi tổ dân phố, cứ vài trăm hộ nên có một cửa hàng do chính người dân ở đó kiểm soát. Vì người dân có tâm lý chỉ tin những người ở gần chứ không tin khi phải đi xa mua.
Với RAT, cần phải được quản lý, hỗ trợ đồng bộ theo chuỗi mới hi vọng tạo ra cú hích lớn. Về SX chúng tôi đã quy hoạch được vùng RAT hơn 5.000 ha rồi, thời gian sắp tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng lên khoảng 5.500 ha.
Bên cạnh đó, Chi cục BVTV Hà Nội đang tiếp tục duy trì các lớp tập huấn IPM để hướng dẫn, phổ biến bà con quy trình SX RAT.
Đặc biệt, thời gian tới ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ quản lý chặt các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV thông qua ký cam kết và bán thuốc phải kê đơn.
Song song với đó, chi cục tiến hành thành lập các tổ, nhóm phun thuốc BVTV tự nguyện với sự hỗ trợ của trên 400 cán bộ BVTV thường trú tại tất cả các xã nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ công đoạn dùng thuốc BVTV.
Như vậy, cùng với những hỗ trợ về mặt truyền thông, phân phối, tiêu thụ và sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các DN, RAT Hà Nội chắc chắn sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!