Những ngày giáp Tết, gia đình ông Phạm Minh Châu ở xóm 2, xã Nam Toàn, huyện Nam Trực đang trong giai đoạn "nước rút" để chăm sóc, cung ứng ra thị trường những cây quất cảnh ghép trên gốc gỗ lũa độc đáo, ấn tượng nhất phục vụ khách chơi. Những cây quất cảnh ghép cầu kỳ trên gốc gỗ lũa là tâm huyết nhiều năm của ông Châu.
Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 năm nay, nhà vườn của ông Phạm Minh Châu đã cho cho ra thị trường một kiểu cây quất ghép với gỗ lũa vô cùng độc đáo và đẹp mắt. Cây quất được phối cùng những khúc gỗ lũa tạo nên một tác phẩm nghệ thuật sinh vật cảnh độc đáo phục vụ người chơi cây cảnh Tết.
Hiện tại, một cây quất ghép gỗ lũa có giá dao động từ 5 triệu – 30 triệu đồng, tùy vào tuổi thọ, kích thước, thế của cây quất và chất lượng của khúc gỗ cũng như vẻ đẹp tổng thể của toàn bộ tác phẩm.
Cây quất được trồng ghép với gỗ lũa có độ tuổi từ 2 tới 5 năm. Cây không quá nhỏ hoặc quá to, vừa đủ để tạo dáng cùng với gỗ lũa một cách hài hòa. Quất được ghép từ đầu năm dương lịch và tạo dáng tới cuối năm chơi Tết là vừa đẹp. "Trồng quất cảnh thì dễ, làm gỗ lũa cũng không khó, quan trọng nhất là "phối" 1 cây sống và 1 cây chết làm sao hài hòa, bắt mắt...Nghệ thuật không phải là cái đẹp chói lóa, sặc sỡ mà nghệ thuật là cái đẹp hài hòa, cân đối là vì thế", ông Châu lý giải với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Không chỉ dùng để làm tượng Phật, thiết kế sân vườn...gỗ lũa còn được các nghệ nhân chế tác thành bonsai độc đáo. Bonsai gỗ lũa trang trí với cây quất cảnh tạo ra một điều khác biệt, từ hình gỗ tới dáng quất được phối kết hợp hài hòa vô cùng đẹp mắt.
Nằm trong danh mục các loại cây cảnh ngày tết, quất ghép gỗ lũa độc đáo lạ mắt với việc kết hợp giữa sự mềm mại, tươi xanh của cành lá quất với sự cứng cỏi, mộc mạc, phong trần in dấu thời gian của thân gỗ lũa tạo một tác phẩm mang vẻ đẹp mạnh mẽ, biểu tượng cho nhiều tài lộc trong năm mới đang dần trở thành hàng hiếm bắt đầu được săn đón. Những tác phẩm này được chủ nhân của chúng đặt với cái tên mỹ miều là "Mộc thạch tương sinh".
Theo chia sẻ của ông Châu với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, từ lâu gỗ lũa là một trong những loại gỗ đã được các đại gia, người chơi đồ cổ, cây cảnh săn lùng nên rất có giá trị. Gỗ lũa thường là phần gốc, phần lõi cứng nhất, bền nhất của các loại cây gỗ tự nhiên cổ thụ lâu năm, tùy theo từng loại gỗ mà có giá trị khác nhau.
Việc chăm sóc cho những cây quất ghép gỗ lũa yêu cầu đặc biệt hơn so với cây quất cảnh trồng thông thường. Tưới nước và bón phân phải phù hợp với từng cây để đảm bảo cây phát triển tốt cùng với thân gỗ lũa và tạo đúng thế như người trồng mong muốn.
Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, hiện nay chỉ có một số nhà vườn trồng loại quất này nên số lượng cũng rất hạn chế, chính vì số lượng ít nên nhiều người phải đặt mua từ trước Tết Nguyên đán để chọn được cây ứng ý về chưng Tết.
Theo chủ vườn tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, "Để làm ra một tác phẩm quất ghép gỗ lũa như hiện tại, người ghép phải mất cả năm từ khâu chăm sóc gốc, tạo dáng, ghép cây... rồi mới đến phần chọn hình gỗ hợp với dáng cây, nếu chọn không đúng có thể làm từ một cây có giá trị thành không có giá trị".
Mỗi cây quất ngự gỗ lũa mỗi dáng, to nhỏ khác nhau toàn bộ phụ thuộc vào dáng gỗ và chủ đích của người làm. Giá trị của mỗi gốc quất ghép gỗ lũa cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu vẫn là những gốc có thế đẹp và dáng lũa lạ mắt, vân lũa đẹp phù hợp với cây quất...
Theo Phạm Anh/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn