Theo phòng NN&PTNT huyện Bắc Hà đánh giá: Triển vọng kinh tế từ cây Lê VH6- giống cây trồng mới thuộc Dự án: “Nâng cao chất lượng cây ăn quả ôn đới địa phương” được đánh giá là rất khả quan, nhất là tại các khu “vườn mẫu”- Khi người dân biết áp dụng đúng quy trình kĩ thuật canh tác, từ khâu vin cành, tạo táo, ngắt hoa trái vụ đến tỉa quả, bọc quả… cho quả to, mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng và đang dần trở thành sản phẩm du lịch của huyện. Tuy nhiên vẫn có một số nơi, người dân còn lơ là, ít quan tâm... nên dù cây có sai quả nhưng nhỏ, chất lượng chưa cao nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng.
Lê VH6 (hay còn gọi là Lê Tai Nung 6) có nguồn gốc từ Đài Loan, sau khi nhập nội đã có thời gian nghiên cứu khảo nghiệm, theo dõi đánh giá khả năng sinh trưởng, thích nghi, ra hoa, đậu quả hơn 10 năm tại Trại rau, quả huyện và đến năm 2012, đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống cây trồng mới của tỉnh Lào Cai. Từ 13 cây ghép ban đầu đến nay, Lê VH6 đã nhân giống, trồng mở rộng trên phạm vi trong tỉnh, riêng ở Bắc Hà đã hình thành nên những khu “vườn mẫu” tại trại, quy mô khoảng 2 ha, sau đó được trồng mở rộng tại một số xã của huyện có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, như Bản Già, Lầu Thí Ngài, Thải Giàng Phố, Tả Chải, Tả Văn Chư, thị trấn Bắc Hà...
Trao đổi cùng chúng tôi, Kĩ sư Nông nghiệp Lương Quang Thạch cũng thẳng thắn bày tỏ: “Hiện nay, việc nhân rộng giống lê VH6 tại địa phương cũng còn gặp phải không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất, là trình độ thâm canh của bà con vùng cao đối với các giống cây trồng mới còn hạn chế. Một số hộ còn thờ ơ, chưa quan tâm, chưa nhận thấy giá trị thực tiễn từ các mô hình trồng Lê VH6 nên việc đầu tư, chăm sóc một cách “bài bản” còn rất hạn chế.
Mô hình vườn lê của bà Tráng Thị Lan Từ thực tế sản xuất cũng minh chứng, những hộ gia đình, những nơi biết chú trọng áp dụng đúng quy trình kĩ thuật, những kinh nghiệm hay trong chăm sóc, cải tạo vườn Lê thì hiệu quả kinh tế mang lại rất tốt. Đơn cử như hộ gia đình ông Vàng Văn Niên- tổ dân phố Nậm Cáy, Thị trấn Bắc Hà, có vườn lê VH6 chỉ với 61 cây nhưng đem lại thu nhập cao từ 50-60 triệu đồng mỗi năm. Còn với vườn Lê VH6 của hộ bà Tráng Thị Lan - thôn Na Hối Tày, xã Na Hối, diện tích khoảng 2000m2, với 84 gốc Lê được trồng từ những năm 2013. Hơn 7 năm qua, gia đình bà Lan luôn tuân thủ đúng theo quy trình kĩ thuật do trại rau quả huyện và cán bộ khuyến nông xã Na Hối hướng dẫn, do đó các cây Lê trong vườn đều sinh trưởng tốt. “Năm đầu tiên bói quả (năm 2017), gia đình tôi thu được 7 triệu đồng, đến năm tiếp theo thu được 48 triệu đồng và vụ 2019 vừa qua, thu được gần 100 triệu đồng…”- Bà Tráng Thị Lan cho hay.
Ở Bắc Hà, mô hình vườn Lê của gia đình bà Lan được đánh giá là khu “vườn mẫu”cho hiệu quả kinh tế cao với người nông dân để bà thôn, xã cùng học tập trao đổi kinh nghiệm. Hơn 7 năm gắn bó với cây lê VH6, bà Lan cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm “quý” trong chăm sóc vườn Lê hướng đến năng xuất, chất lượng quả tốt trong những vụ tới. Chia sẻ kinh nghiệm, Bà Tráng Thị Lan cho biết: “Khi chăm sóc vườn, nếu làm cỏ sạch quá, cây sẽ thiếu độ ẩm sẽ không tốt, gia đình tôi tận dụng vỏ ngô, rơm mùn để ủ vào gốc giữ ẩm. Ở góc vườn, gia đình đào ao thả cá Trê phi, tận dụng được nguồn nước phân thải, nước trên nương, trên đồi xuống tưới cho cây. Đi tới đâu, thấy cây Lê của bà con ra hoa vào tháng 10, tôi bảo hoa trái vụ thì phải ngắt đi, để chính vụ cây mới sai quả. Thấy cây Lê của bà con cao chót vót, tôi bảo cần vin cành, tạo tán, lúc trời nắng thì đừng uốn cây dễ bị gẫy cành, khi trời mưa tạnh một chút là đi vin cành ngay. Khi quả bằng cái chén nhỏ thì nên phun thuốc ngừa côn trùng trích hút, sau đó bọc giấy lại để bảo vệ quả…”
Tại trại rau quả Bắc Hà, với 2 ha Lê VH6 mang về nguồn thu khoảng 1,1 tỷ đồng mỗi năm, trung bình khoảng 550 triệu đồng trên ha.
Tại trại nghiên cứu & sản xuất rau, quả Bắc Hà, có tổng diện tích các khu “vườn mẫu” trồng Lê VH6 trên 2ha, từ nhiều năm nay, nhờ chú trọng áp dụng tốt các biện pháp kĩ thuật canh tác, nhất là các khâu vin cành, ngắt hoa trái vụ, bọc quả… nên tại các vụ, cây cho quả to, mẫu mã đẹp, giá bán trung bình giao động từ 50-70 nghìn đồng/ kg, mang về nguồn thu lớn trên 1,1 tỷ đồng mỗi năm. Theo chia sẻ của trạm: “Lê VH6 là giống cây trồng mới đòi hỏi một số biện pháp chăm sóc tương đối tỷ mỉ, tuy nhiên việc chăm sóc lại không quá “khó”, bà con cần chú ý hơn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, nhất là tại thời điểm cây rụng lá, ra hoa, đậu quả; những lúc cây ra hoa trái vụ thì cần đặc biệt chú ý. Chia sẻ kinh nghiệm làm tốt mô hình, kĩ sư Nông nghiệp Lương Quang Thạch cho biết: “Đến năm thứ 2, thứ 3 nếu không vin cành thì cây Lê sẽ lên rất cao, tới kì thu hoạch sẽ rất khó để tiến hành các thao tác, hái quả. Còn ở thời điểm tháng 10, tháng 11 dương lịch, lúc này cây đã già, lá rụng, nếu cây ra nhiều hoa sẽ tiêu hao lượng dinh dưỡng, có thể vẫn đậu quả nhưng quả không lớn được… do đó cần ngắt hoa để tập chung cho chính vụ. Lê VH6 ở Bắc Hà thường chín sớm độ cuối tháng 6, đầu tháng 7. Do điều kiện thời tiết khí hậu vùng cao hay mưa ẩm, nhiều ong, ruồi vàng và các côn trùng trích hút… nên cần tiến hành bọc để giữ quả. Với những cây Lê 7-8 năm tuổi, chúng tôi thường duy trì để từ 150-200 quả/cây. Thời điểm bọc quả cũng đồng thời tiến hành tỉa các quả kẹ, quả xấu, những chùm quả quá sai…”
Cây Lê VH6 thường có thời gian thu hoạch quả trước giống lê địa phương khoảng 1 tháng, và sau mùa Mận Tam Hoa nên việc tiêu thụ sản phẩm “hứa hẹn” nhiều thuận lợi. Trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn huyện Bắc Hà sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn “trực tiếp” kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả nói chung, cây lê VH6 nói riêng cho các hộ nông dân tham gia Dự án. Hi vọng với nỗ lực này, cùng sự quan tâm thực sự của người dân địa phương, cây Lê VH6 trên địa bàn huyện sẽ có bước phát triển mới, để vùng cao Bắc Hà sẽ có thêm những “mùa quả ngọt”, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của nhân dân các dân tộc địa phương từ các loại cây trồng ôn đới đặc sản./.
Theo Khuất Linh/Laocai.gov.vn