Theo số liệu Tổng cục Thống kê đến tháng 10 năm 2018 thì tổng đàn heo thịt có mặt là 24 triệu con và tổng số heo hơi xuất chuồng cả năm là 49,7 triệu con, với tổng sản lượng heo hơi là 3,8 triệu tấn. Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, tổng đàn heo bị hao hụt do ASF đến tháng 11/2019 là 5,9 triệu con với tổng khối lượng heo hơi là 335.661 tấn.
Một trang trại heo ở Đồng Nai. |
Thông thường với các giống heo cung cấp thịt chủ yếu ở nước ta hiện nay, chu kỳ sản xuất từ khi nhập đàn heo cái hậu bị đến phối giống, đẻ, nuôi heo con đến xuất chuồng bán thịt là 12 tháng.
Do vậy, tổng sản lượng thiếu hụt do dịch bệnh gây ra tại một thời điểm cần phải tính cho cả chu kỳ sản xuất một năm. Theo đó, với 5,9 triệu con hao hụt so với tổng đàn heo thịt xuất chuồng cả năm là 49,7 triệu con thì tổng mức thiếu hụt là 12%, tương đương mỗi tháng thiếu 1% sản lượng heo thịt.
Tổng sản lượng heo hơi tiêu hủy do dịch bệnh là 335.661 tấn, tương ứng với giá trị tuyệt đối về trọng lượng hơi là 57kg/con, thấp hơn so với trọng lượng hơi xuất chuồng thực tế là 77kg/con.
Do đó, theo TS Kiều Minh Lực, không thể tính mức thiếu hụt sản lượng thịt heo dựa vào sản lượng thịt hơi bị tiêu hủy, vì phân bố heo bị tiêu hủy nằm ở nhiều nhóm heo có trọng lượng khác nhau trong đó có cả heo con còn nhỏ và heo nái đang mang thai.
Bởi vậy, tổng sản lượng thịt heo hơi giảm do dịch bệnh cần tính là 450.000 tấn cho chu kỳ 1 năm (tính từ tháng 2/2019), tương đương mỗi tháng thiếu hụt 37.000 tấn heo hơi (1% so với tổng sản lượng thịt heo hơi).
Việc tái đàn để gia tăng sản lượng thịt heo cần phải đề cập đến số lượng heo cái hậu bị đưa vào sinh sản để sản xuất heo con. Chúng ta chưa có tiền lệ nhập khẩu heo con cai sữa từ nước ngoài về để nuôi thịt, do vậy không thể tính những hộ trước đây không nuôi heo nái mà chỉ nuôi heo thịt, nhưng bị tiêu hủy do dịch bệnh và nay nhập lại heo con nuôi thịt là “tái đàn”, điều này sẽ làm sai lệch số liệu thống kê quốc gia.
Bởi vì, heo con chỉ được sản xuất ra từ những heo nái sẵn có trong nước và gần như không có biến động nhiều trong một chu kỳ sản xuất, do vậy tổng số đầu heo thịt sẽ không biến động nhiều trong một chu kỳ sản xuất ổn định không bị tác động của dịch bệnh mà chỉ biến động giữa các hộ chăn nuôi heo thịt mà thôi.
Tổng sản lượng thịt thiếu hụt là 450.000 tấn heo hơi, tương đương 337.000 tấn thịt xẻ và tổng lượng thịt heo nhập khẩu chỉ đạt 96.000 tấn (10 tháng đầu năm 2019), mới chỉ bù đắp được 21% lượng thịt mất cân đối. Lượng thịt heo thiếu hụt hàng tháng đang ở mức khoảng 20.000 tấn (tính từ tháng 2/2019).
Điều này đã phản ánh một thực tế rất rõ về diễn biến giá heo trong thời gian qua đang tăng dần và đến giai đoạn cuối chu kỳ, từ tháng 12 này là thời kỳ bắt đầu chuyển vào giai đoạn đỉnh điểm của thiếu hụt. Việc tái đàn heo cái hậu bị mới bắt đầu có dấu hiệu từ tháng 10/2019, nhưng với tỷ lệ còn thấp, phản ánh mức độ mất cân đối cung cầu thịt heo có thể sẽ kéo dài đến cuối năm 2020.
Để bình ổn giá thịt heo, với kinh nghiệm thực tiễn về biến động giá thịt heo trong nhiều năm qua, TS Kiều Minh Lực cho rằng, Bộ NN-PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp và đã có hiệu ứng tích cực. Chẳng hạn, hướng dẫn người tiêu dùng cân đối nhu cầu hàng ngày về đạm động vật từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau như thịt, trứng gia cầm, sản phẩm thủy sản và các sản phẩm khác của sữa trên cơ sở giá cả thị trường.
Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, thay đổi khẩu phần ăn của heo giúp heo tăng trưởng nhanh đạt khối lượng xuất chuồng, tăng khối lượng xuất chuồng là giải pháp tăng sản lượng nhanh nhất vì tốc độ sinh trưởng giai đoạn 100-120 kg có thể đạt 0,8 kg/ngày.
Ước tính sau khi trừ đi số heo thịt đã tiêu hủy thì tổng đàn heo thịt hiện có khoảng 19 triệu con, trong đó 65% là heo thịt từ các giống năng suất cao. Nếu thay đổi trọng lượng xuất chuồng từ 100kg/con lên 120kg/con, thì tổng sản lượng thịt hơi sẽ tăng thêm 480.000 tấn/năm và có thể bù đắp 100% lượng thịt heo thiếu hụt do dịch bệnh.
Cũng theo TS Kiều Minh Lực, Bộ NN-PTNT đã nhiều lần mời các doanh nghiệp chăn nuôi ngồi lại cùng chung ý chí giữ mức giá hợp lý ổn định thị trường thịt heo và đã có lần mang lại kết quả tốt cho thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc duy trì mức giá thấp hơn thị trường 6-7% của các doanh nghiệp chăn nuôi đang biểu hiện đuối sức dần và có nguy cơ phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực cho cả doanh nghiệp lẫn thị trường heo hơi.
Giảm tiêu thụ heo, tăng gia cầm, rau củ Theo báo cáo mới nhất của Sở Công Thương TP HCM về tình hình thị trường và các giải pháp ổn định thị trường mặt hàng thịt heo từ nay đến Tết Canh Tý 2020, tổng sản lượng tiêu thụ thịt heo trên toàn thị trường TP đã giảm khoảng 20%. Trong đó, kênh phân phối hiện đại sức mua giảm nhẹ, kênh chợ truyền thống giảm mạnh (khoảng 30%). Nguyên nhân là do tâm lý người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh, ngại mua kênh chợ truyền thống và giá thịt heo tăng cao. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng như thịt gia cầm, rau củ quả… ở TP HCM tăng 10-15% do là sản phẩm thay thế thịt heo, giá ổn định. Do đó, các doanh nghiệp bình ổn thị trường thịt gia cầm như San Hà, Ba Huân… đều đã xây dựng phương án tăng nguồn cung. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 10/12, lượng thịt heo nhập khẩu qua cửa khẩu TP HCM đạt 13.231 tấn, tăng 7.130 tấn (117 %) so cùng kỳ 2018. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ các nước: Braxin, Ba Lan, Canada, Mỹ, Đức, Úc, Đan Mạch... Do thói quen người tiêu dùng vẫn còn ưa thích sử dụng thịt nóng, nên hiện nay thịt heo đông lạnh cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng vẫn còn hạn chế; chủ yếu cung ứng cho các hoạt động sản xuất thực phẩm chế biến, nhà hàng, bếp ăn… Tuy nhiên, sản lượng hàng nhập khẩu gia tăng đã góp phần hạn chế đà tăng của giá heo hơi trong nước thời gian qua, cần được khuyến khích trong thời gian tới. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn