Người chăn nuôi lo khó tiếp cận vốn vay lãi suất 11%. |
Ông Nguyễn Văn Chiến- Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Cổ Đông (TX. Sơn Tây, Hà Nội) cho biết: "Trong những ngày qua, tôi đã phải làm việc liên tục với Ngân hàng NNPTNT (Agribank) để trả lãi, làm các thủ tục vay mới. Tuy nhiên, theo ông Chiến, lãi suất vay mới vẫn là 16,2% (trong khi yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là 11%-PV).
Ông Chiến cho rằng, chính sách ban hành thời điểm này là cần thiết nhưng việc thực thi là cả một vấn đề. "Cơ quan nào giám sát việc cho vay? Ai sẽ đứng ra giải quyết nếu ngân hàng không cho người chăn nuôi vay? Chỉ sợ chính sách đã ban hành, người chăn nuôi đã có phao, nhưng ngân hàng lại gây khó dễ, thì khác gì có phao nhưng lại phải bơi trên cạn"- ông Chiến ví von.
Riêng ông Vũ Thanh Lâm - chủ trang trại gà Lâm Hoan, thị trấn Xuân Mai, TX. Sơn Tây (Hà Nội) lại rơi vào cảnh khóc dở, mếu dở vì thời điểm này ông không được ngân hàng cho vay vốn mới, không cho dãn nợ, mà chỉ muốn thanh lý tài sản thế chấp. "Trang trại nuôi trung bình 35.000 gà đẻ, chỉ trong vòng hơn 1 năm (giá gà, trứng xuống thấp từ năm ngoái) lỗ gần 15 tỷ đồng. Không được vay mới, ngân hàng siết nợ, thanh lý tài sản thì làm sao có thể phục hồi được sản xuất"- ông Lâm tâm sự.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, những chính sách hỗ trợ mà Chính phủ mới ban hành dựa trên đề xuất của Cục Chăn nuôi.
"Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, nhưng Ngân hàng phải có văn bản chỉ đạo các ngân hàng cấp dưới thực thi nghiêm túc, thì người chăn nuôi mới có cơ hội tiếp cận được vốn vay. Cục Chăn nuôi chỉ nhắc nhở các doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ chăn nuôi bám sát ngân hàng để vay được vốn, tái sản xuất"- ông Dương cho biết thêm. Tuy nhiên, theo ông Dương, trên thực tế việc tiếp cận vốn sẽ gặp nhiều khó khăn, vì thế Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo quyết liệt.
Hữu Thông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn