Ngành chăn nuôi nước ta đang đứng trước nhiều thách thức do sức cạnh tranh yếu trước các sản phẩm nhập khẩu. Nhiều ý kiến cho rằng, dịch bệnh bùng phát và khó kiểm soát, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu được ký kết sẽ là hai “cơn lũ” cuốn trôi ngành chăn nuôi. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT).
Số liệu thống kê về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi cho thấy khá cân bằng, thế nhưng giá thịt lại rớt mạnh thời gian qua. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Năm qua, giá sản phẩm chăn nuôi rớt mạnh nguyên nhân do suy thoái kinh tế, thu nhập của người dân giảm, kéo theo việc tiêu dùng thịt giảm nhiều, trong khi sản lượng thịt tăng 2,2%. Số liệu thống kê quốc gia là cơ sở để định hướng đưa ra các chính sách điều tiết sản xuất, cân bằng cung - cầu. Tuy nhiên, số liệu Tổng cục Thống kê công bố về ngành chăn nuôi lại sai quá xa so với thực tế. Thời gian qua, các hiệp hội trong ngành chăn nuôi đã nhiều lần nêu ý kiến với các cơ quan nhà nước về vấn đề này. Chẳng hạn, năm 2013, theo Hiệp hội Ong, nước ta xuất khẩu (XK) trên 31.000 tấn mật ong, nhưng số liệu của Tổng cục Thống kê lại chưa đến 4.000 tấn. Số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam về sản lượng thịt luôn cao gấp 3 lần so với số liệu của ngành thống kê, như sản lượng gia cầm năm 2013 là 2,2 triệu tấn, trong khi của Tổng cục Thống kê chỉ là 746.900 tấn.
Theo ngành thống kê, sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2013 đạt hơn 28 triệu tấn, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,3 triệu tấn. Chia ra cứ 7kg thức ăn mới cho 1kg thịt hơi, con số này không ai chấp nhận được. Trên thế giới, bình quân 1,8-2,2kg thức ăn cho ra 1kg thịt hơi; ở Việt Nam tuy chăn nuôi kém nhưng nông dân vừa cho gia súc ăn, vừa đổ cám đi thì quá lắm 1kg thịt hơi cũng chỉ tốn 3kg thức ăn.
Những năm trước, chúng tôi quá tin vào con số của ngành thống kê nên điều tiết sản xuất không hợp lý. Từ nay không căn cứ vào số liệu đó nữa, mà tập hợp số liệu từ các hiệp hội. Cần phải nắm chính xác điều kiện thực tiễn chăn nuôi của chúng ta, chứ không thì việc hoạch định chính sách sẽ rất khó.
Xin ông cho biết vì sao chính sách cho chăn nuôi đưa ra nhiều, nhưng ít đi vào thực tiễn?
Đúng là nhiều chính sách không đi vào thực tiễn sản xuất. Điển hình như Quyết định 61 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2010 về cho vay hỗ trợ lãi suất, thế nhưng đã hơn 3 năm rồi, chưa tới 1% số trang trại chăn nuôi được vay nguồn vốn này. Các định mức mà chính sách đưa ra rất tốt, hấp dẫn nhưng quy trình thủ tục để các doanh nghiệp, nông dân tiếp cận vốn vay vô cùng phức tạp nên họ không đáp ứng được. Hơn nữa, Nhà nước không chỉ rõ nguồn vốn cho vay ưu đãi ấy lấy từ đâu, bao nhiêu phần trăm từ ngân sách địa phương, bao nhiêu từ ngân sách Trung ương, để có sự phân rõ trách nhiệm. Để tháo gỡ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 210/QĐ-TTg vào tháng 12/2013, trong đó đưa ra nhiều hỗ trợ đặc biệt như hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa, trang trại, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản. Sắp tới sẽ có thêm chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững trong nông hộ.
Ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn khi Hiệp định TPP có khả năng được ký kết cuối năm nay. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu TPP được ký kết,chăn nuôi sẽ là ngành chịu rủi ro nhất và khả năng ngành gia cầm sẽ phá sản. Vì khi đó thuế suất thuế nhập khẩu các sản phẩm thịt sẽ còn 0%, trong khi giá thành sản phẩm chăn nuôi ở nước ta luôn cao hơn 15-25% so với các nước trong khu vực. Chăn nuôi nước ta kém sức cạnh tranh do giá thức ăn quá cao bởi lệ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Thứ hai là con giống của chúng ta quá kém, năng suất thấp. Chăn nuôi ở nước ta còn bấp bênh vì thường xuyên gặp dịch bệnh.
Nhưng chúng ta cũng có “lá chắn” là thói quen tiêu dùng thịt của đại bộ phận người dân - dùng thịt tươi. Xét về mặt dinh dưỡng và an toàn thực phẩm thì ăn thịt đông lạnh sẽ tốt hơn nhiều, vì thịt sau khi được cấp đông thì các mối liên kết protein mới được cắt rời, đảm bảo dinh dưỡng tốt hơn. Trong khi xu hướng thế giới đều mua thịt đông lạnh thì người dân Việt Nam vẫn ăn thịt tươi, mà tất cả thịt nhập khẩu vào nước ta chỉ có thể ở dạng đông lạnh.
Chúng ta còn có tập quán nữa cũng thuận lợi cho ngành chăn nuôi, đó là ăn tất cả sản phẩm ăn được của gia cầm, gồm cả lòng ruột. Trong khi ở nước ngoài, họ chỉ dùng lườn gà làm thực phẩm, nên giá bán rất đắt, người Việt không nhập khẩu. (Trên thế giới, các bộ phận khác là cánh, cổ, đùi, chân gà là phụ phẩm, chỉ bán để làm thức ăn gia súc).
Xin ông cho biết, ngành chăn nuôi sẽ có những chiến lược nào để đối phó với TPP?
Cách đối phó khôn ngoan nhất là chúng ta tìm những sản phẩm có tính rủi ro thấp nhất để mở cửa trước cho các nước trong TTP đưa hàng vào, những sản phẩm rủi ro cao hơn thì sẽ mở cửa sau. Một trong những sản phẩm chúng tôi ưu tiên lựa chọn để họ xuất sang nước ta là thịt bò, vì hiện nay thịt bò nước ta đang thiếu. Tiếp đó, chúng ta sẽ mở cửa cho gia cầm, nhường phân khúc gà công nghiệp cho các doanh nghiệp nước ngoài, nông dân nước ta sẽ tập trung vào chăn nuôi gà lông màu, gà bản địa – những sản phẩm này nước ngoài không có để cạnh tranh với ta, mặt khác giá bán cao gấp nhiều lần gà công nghiệp.
Chúng ta cũng lựa chọn sản phẩm chăn nuôi lợi thế để xuất khẩu, một trong những định hướng là xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc. Nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc rất lớn, thời gian qua chúng ta đã XK nhiều sang nước này. Chúng tôi đang đề nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT thiết lập vùng chuyên chăn nuôi lợn thịt XK với quy mô khoảng vài tỉnh, tạo vành đai an toàn dịch bệnh, kiểm soát gắt gao hoạt động chăn nuôi.
Cùng với đó, cần tiến hành bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy trồng ngô trong nước, đầu tư sản xuất con giống, áp dụng công nghệ cao để giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào ngành chăn nuôi.