Sự việc bắt đầu từ tháng 6/2012, một người dân tên là Lê Thành Thiết (trú TP.Pleiku, Gia Lai) đặt vấn đề thu mua gốc, rễ hồ tiêu còn sống của một người ở huyện Chư Sê. Việc này đã không thành bởi vì chẳng ai dại dột đem đào bán gốc và rễ của cái cây có thể sinh lợi tiền tỷ cho gia đình.
Khoảng hai tháng sau, một người ở thôn 4, xã Ia Blang, Chư Sê phá bỏ vườn tiêu già cỗi để thay mới hoàn toàn thì ông Mai Xuân Dũng (49 tuổi, trú thôn 4, xã Ia Blang) đến thu gom gốc, rễ tiêu.
Trước đó, ông Dũng đã điện thoại cho ông Thiết, hai người thỏa thuận giá mua là 40.000 đồng/kg gốc rễ tươi. Vì chẳng hiểu người ta mua gốc rễ tiêu để làm gì nên ông Dũng yêu cầu ông Thiết đặt tiền cọc rồi mới tiến hành qua nhà người hàng xóm thu lượm gốc rễ.
Chuyến đó, ông Dũng thu gom được 4,5 tạ gốc, rễ tiêu, bán được hơn 17 triệu đồng cho ông Thiết. Ông Thiết đề nghị ông Dũng tiếp tục đi thu gom nếu như có ai bán.
Ông Dũng bên số rễ tiêu gia đình thu gom từ đầu năm đến nay
Đến đầu năm 2013, nhiều hộ trong xã Ia Blang thực hiện thay vườn tiêu già cỗi, thế là ông Dũng lại có công ăn chuyện làm. Từ đầu năm đến giờ, ông Dũng đã thu gom được trên 2 tấn gốc, rễ tiêu, hiện đã phơi khô, chất đầy nhà.
Ông Dũng cho biết: người ta đào lên rồi cho tôi gom gốc, rễ chứ không bán. Mỗi trụ tiêu thì có khoảng 4 lạng gốc, rễ chứ không có nhiều. Hỏi về việc người ta thu gom để làm gì thì chính bản thân ông Dũng cũng mơ hồ, họ có nhu cầu, mình thì xin được hàng do đó nhân lúc nhàn rỗi chịu cực kiếm thêm ít đồng ấy mà.
Theo ông Dũng, ông không kinh doanh hàng quốc cấm. Số rễ và gốc cây tiêu này tôi cũng chẳng phải bỏ tiền ra mua mà bà con cho tôi lấy không để dọn vườn thôi. Gia đình tôi bỏ ra rất nhiều công sức để đi thu gom về. Hiện trong nhà có hơn 2 tấn, nếu bán được giá như lần trước cũng thu về được chừng 100 triệu đồng.
Việc làm của ông Dũng khiến người dân thủ phủ hồ tiêu từ tò mò, sau chuyển qua lo lắng, hoang mang. Họ lo cũng phải, bởi nếu việc làm ăn này mà phát đạt thì không khéo nhiều kẻ rảnh rỗi không có công ăn việc làm sẽ nhân đấy mà đi phá hoại cần câu cơm của cả vùng. Nhưng nếu người ta đi trộm thì trộm hạt bởi vừa nhanh, vừa thu nhiều tiền hơn chứ ai đi trộm, gốc rễ làm gì cho cực nhọc vì đào một gốc tiêu đâu phải là nhanh. Nhiều người đinh ninh rằng đây là thủ đoạn của các thương lái nước ngoài muốn phá hoại kinh tế.
Theo người dân, rễ cây tiêu chết thì nó mục, bở và không có mùi vị gì. Nhưng gốc, rễ cây tiêu còn sống thì có mùi cay, nồng giống hệt mùi của hạt tiêu. Do đó họ nghi ngờ có khả năng việc thu mua gốc rễ tiêu là để xay ra rồi trộn với sản phẩm tiêu thật để kiếm lợi nhuận cao hơn.
Sự việc từ đó cứ đồn đi khắp nơi, cơ quan công an hay tin đã vào cuộc ngặn chặn việc vận chuyển, mua bán gốc, rễ hồ tiêu.
Một cán bộ xã Ia Blang cho biết, việc thu mua rễ tiêu trên khiến người dân hoang mang vì phần lớn người dân trong xã có vườn tiêu ở xa nhà ở. Tuy nhiên, trên địa bàn xã chưa xảy ra tình trạng đào trộm gốc, rễ tiêu đi bán, chỉ mới mỗi ông Dũng làm chuyện này thôi.
Về việc này, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho hay, trước đây, vùng này đã từng xảy ra việc thương lái thu mua hạt tiêu lép, cuống tiêu để nghiền thành bột rồi trộn với bột hồ tiêu chất lượng.
Vì vậy, theo suy đoán của tôi, mục đích của việc mua gốc, rễ tiêu này có thể để làm gia vị, thuốc, thực phẩm hoặc xay rồi trộn với sản phẩm hạt tiêu chất lượng nhằm kiếm lời. Hành vi này sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ cho gian thương nhưng sẽ làm giảm uy tín và phá hoại thương hiệu hồ tiêu Chư Sê và Việt Nam.
Ông Bính nhận định thêm, hiện tại giá hồ tiêu đang khá cao (110.000 đồng/kg tiêu đen), người dân chả dại gì mà phá đi cây tiêu để kiếm tí tiền nho nhỏ song không thể không để phòng thủ đoạn của kẻ gian.
Trước sự việc trên, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo dừng việc thu gom, mua bán và không cho vận chuyển gốc, rễ tiêu ra khỏi thủ phủ hồ tiêu Chư Sê.
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn