Thực hiện chủ trương mở rộng diện tích lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm nâng cao chất lượng gạo, nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao giá bán, qua đó nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, các địa phương nơi vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng cường chỉ đạo giảm diện tích lúa chất lượng thấp IR 50404. Qua thực tế vụ đông xuân 2012 – 2013 ở khu vực này thấy lúa thơm, lúa chất lượng cao đã chiếm 60-70% diện tích gieo trồng.
Sẽ không có điều gì phải bàn nếu chuyện sản xuất, kinh doanh, buôn bán lúa gạo không xảy ra nghịch lý trên thị trường: Thương lái và doanh nghiệp chỉ chú trọng mua lúa thường (giống IR 50404) để chế biến, xuất khẩu, còn lúa chất lượng cao và lúa thơm chỉ được mua cầm chừng. Giá lúa chất lượng cao và thường chênh không đáng kể trong khi sản xuất lúa chất lượng cao chi phí cao hơn, năng suất thấp hơn (hiện thương lái mua lúa tươi IR 50404 với giá 4.200 đồng/kg, lúa chất lượng cao 4.400 đồng/kg). Tại sao vài vụ trước, khi diện tích lúa chất lượng cao thấp, các doanh nghiệp cứ cho rằng giá gạo của ta thấp là do người dân trồng giống IR 50404 chất lượng thấp, và lấy lý do đó để mua lúa của dân với giá thấp. Việc khó tiêu thụ lúa chất lượng cao vừa làm người trồng lúa thiệt hại về kinh tế vừa khiến họ không biết trồng loại lúa nào cho vụ sau và khiến chủ trương của ngành nông nghiệp khó được thực hiện.
Không biết trò ú tim này còn được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo diễn đến khi nào?
Qua nghịch lý này thấy chỉ đạo sản xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và định hướng thị trường của Bộ Công Thương chưa đồng bộ. Điều này còn tiếp diễn thì người trồng lúa không thể giàu lên được.
Người trồng lúa còn “khóc” bởi cho đến giờ, chưa cơ quan nào trả lời được câu hỏi: Xuất khẩu gạo năm 2013 theo hướng nào? Thị trường nào cần gạo chất lượng cao, cần bao nhiêu; nơi nào cần loại trung bình, bao nhiêu,... Về điều này, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã phát biểu tại Hội nghị triển khai sản xuất vụ đông xuân 2012 – 2013 khu vực Nam Bộ (tổ chức tại Long An): “Định hướng nhu cầu gạo cho xuất khẩu, tôi chỉ xin dùng từ “định hướng” thôi vì cụ thể năm tới cần bao nhiêu tấn gạo cấp cao, bao nhiêu tấn gạo thơm, gạo trung bình... thì chưa trả lời được đâu”.
Nghịch lý trên còn thể hiện cung cách làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm và tầm nhìn “lợi ngay” của các doanh nghiệp và đơn vị điều hành xuất khẩu gạo.
Theo nhiều chuyên gia, nguồn cung gạo đang vượt cầu, giá khó lên nên đây chính là thời điểm thích hợp để các cơ quan quản lý tính toán việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho có lợi nhất.