Ngày 23/7/2014, báo NNVN đăng bài "Dự án 180 tỷ của một nông dân" phản ảnh một nông trường trồng mía rộng 1.500 ha (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) của gia đình ông Nguyễn Quang Hợp (còn gọi Tư Hợp), được sang nhượng lại năm 2011 từ một dự án trồng mía của Công ty CP NIVL (Ấn Độ) giá 180 tỷ đồng trong nhiều năm liền SX không hiệu quả, đất đai một số còn bỏ hoang hóa, năng suất chỉ đạt 30 tấn/ha.
Điều đáng nói, sau khi mua lại, ông Hợp đã cơ cấu lại giống mía, đặc biệt là thúc đẩy cơ giới hóa toàn bộ việc trồng mía, đưa năng suất mía niên vụ 2012-2013 và 2013-2014 lên bình quân 65 tấn/ha trong điều kiện không tưới, thu mỗi năm bình quân 86 tỷ đồng.
Trong chuyến viếng thăm và gặp gỡ lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh mới đây, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn đã đến thăm nông trường mía của gia đình "nông dân trí thức" này.
Sau khi tham quan đồng ruộng được thiết kế ngay hàng thẳng lối, cùng với việc cây mía phát triển xanh tốt, ông Tạn đánh giá cao và tỏ ra tâm đắc. "Đây thực sự là mô hình SXNN ở VN qui mô tích tụ đáng kể được đầu tư hoàn toàn cơ giới hóa, hiện đại hóa phù hợp với xu thế thời đại, ngang bằng với các nước trồng mía tiên tiến, là niềm tự hào của ngành mía đường, cả nước hiện chưa nơi nào có 1.500 ha cây công nghiệp mà do hoàn toàn một gia đình làm chủ, quản lý sản xuất từ khâu làm đất, giống, chăm bón đến thu hoạch.
Trong điều kiện không tưới nhưng năng suất mía đạt 65 tấn/ha, cao nhất so với các nơi khác trong điều kiện không tưới. Đây cũng là hướng đi nằm trong cơ cấu lại ngành mía đường gồm 3 khâu, đó là giống mía năng suất chất lượng cao, cơ giới hóa và thủy lợi hóa.
Nếu 3 khâu này thực hiện tốt sẽ hạ giá thành 1 kg đường xuống còn 8.000 đồng, cộng với khấu hao tài sản cố định của nhà máy 2.000 đồng tức giá đường 10.000 đồng/kg, cạnh tranh với Thái Lan bán 11.000 đồng/kg. Như vậy, đường Thái Lan nhập lậu vào VN cũng không bán được", nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau đó, làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Thủy (Chủ tịch UBND tỉnh), ông Nguyễn Công Tạn đã đề nghị chính quyền tỉnh sớm xem xét chấp thuận gia hạn dự án (theo giấy phép năm 2016 hết hạn) để gia đình ông Nguyễn Quang Hợp yên tâm đầu tư thủy lợi với chi phí dự kiến là 80 tỷ, biến vùng mía không tưới trở thành vùng mía có tưới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả cây mía trong thời gian tới.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn