Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
- Thưa ông, ngay từ đầu năm tăng trưởng tín dụng có vẻ đã có những “tia sáng” so với các năm trước, vậy ông có thể cho biết tình hình tăng trưởng tín dụng có điểm gì khác biệt so với trước?
Ông Nguyễn Tiến Đông: Đúng là như vậy, tính đến ngày 10/3, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 0,46% so với đầu năm. Sở dĩ tín dụng tăng trưởng dương so với mức âm của cùng thời điểm này năm trước là do Tết Nguyên đán rơi vào giữa tháng Hai dương lịch vì trước Tết nhu cầu vay của doanh nghiệp để đáo hạn hợp đồng, thưởng Tết cho nhân viên… tăng cao.
Một tín hiệu lạc quan nữa là, qua tiếp xúc một số doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, tâm lý năm nay phấn chấn hơn. Một số doanh nghiệp cho biết năm nay thấy khác thường, tức là ra Tết trước ngày 15 âm lịch thì chưa có gì cả, thấy xìu xìu như mọi năm, nhưng từ ngày 16 âm lịch trở đi khác hẳn. Có nhiều đơn đặt hàng hơn, các hợp đồng ký kết cũng nhiều hơn.
Những dấu hiệu đó cho thấy có thể chưa đại diện hết các lĩnh vực nhưng phải thấy đây là dấu hiệu tốt mà mấy năm gần đây không có.
"Không nhất thiết phải có trụ sở ở nông thôn"
- Ông có thể cho biết năm nay định hướng của chính sách tín dụng có điểm gì mới so với các năm trước?
Ông Nguyễn Tiến Đông: Theo tôi, một vấn đề quan trọng của chính sách tín dụng năm nay là việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng của Nghị định 41 về chính sách tín dụng khu vực “tam nông”. Hiện tại Bộ Tư pháp đã thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, về cơ bản lãnh đạo Chính phủ đã nhất trí nhưng muốn làm rõ thêm một số khái niệm như “khoanh nợ”, “xóa nợ” và khả năng cân đối nguồn ngân sách khi doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân khu vực nông thôn khi xảy ra rủi ro thì xử lý thế nào?!
Ngoài ra, khái niệm “thế nào là rủi ro trên diện rộng”, cấp nào là cấp công bố việc đó, quy trình xử lý thế nào cũng được được Chính phủ xem xét.
Tất cả những băn khoăn đó, Ngân hàng Nhà nước đã làm bản giải trình gửi sang Bộ Tài chính để họ tính toán nguồn vốn.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định 41 cũng mở rộng đối tượng thụ hưởng như các hộ cận ven đô, thành thị, đầu tư nông nghiệp nông thôn không được hưởng chính sách theo Nghị định 41 thì giờ được đưa vào diện được hưởng. Tất cả những doanh nghiệp hoạt động cả đầu ra, đầu vào cung cấp giống, phân bón thuốc trừ sâu, thu mua sản phẩm như cà phê cao su, lúa gạo… thì đều được tính là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn chứ không nhất thiết phải có trụ sở ở khu vực nông thôn như trước khi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Agribank) |
Cũng theo hướng khuyến khích sản xuất lớn, dự thảo Nghị định đã tăng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp nhiều lần so với Nghị định 41 hiện nay. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm là 50 triệu đồng. Mức cho vay tối đa đối với các đối tượng này ở khu vực nông thôn sẽ được tăng lên 100 triệu đồng. Các chủ trang trại, hợp tác xã còn có thể được vay đến 1 tỷ đồng mà không phải thế chấp tài sản...
Tất cả các ngân hàng thương mại đều được tham gia vào lĩnh vực này và được hưởng chính sách ưu đãi của Ngân hàng Nhà nước, đó là tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức thấp nhất. Hiệu suất quay vòng vốn cao khi ngân hàng được giảm dự trữ bắt buộc. Theo đó, khuyến khích các ngân hàng tham gia cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Với tốc độ thực hiện như hiện nay, tôi nghĩ rằng khả năng quý II/2015, Nghị định mới thay thế Nghị định 41 sẽ được ban hành.
"Vốn đối ứng là khó với ngư dân"
- Đối với Nghị định 67 về cho vay đóng tàu vỏ thép, nhiều chuyên gia cho rằng tiến độ giải ngân khá chậm vì vướng nhiều thủ tục, ý kiến của ông về vấn đề này?
Ông Nguyễn Tiến Đông: Tôi nghĩ không còn vướng mắc gì lớn vì các ngân hàng đã rất sẵn sàng. Tuy nhiên, qua theo dõi, chúng tôi thấy tốc độ xét duyệt hồ sơ chậm trễ của các địa phương. Để khắc phục, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi 28 tỉnh, thành yêu cầu đẩy nhanh tốc độ duyệt hồ sơ đợt 2 để gửi sang ngân hàng thẩm định.
Ngoài ra, còn một lý do khác là số ngư dân vay vốn đóng tàu chưa nhiều không phải vì ngân hàng chưa tích cực cho vay mà do chính tâm lý của họ.
Thực tế đóng một con tàu 5-7 tỷ đồng thậm chí cả chục tỷ, bằng cơ nghiệp cả xóm chứ không riêng một hộ nên họ rất lo. Không chỉ áp lực về tài chính mà còn cả vấn đề quản lý khai thác như thế nào cho hiệu quả cũng không phải đơn giản đối với năng lực tự thân của ngư dân. Trong khi tàu sắt là vấn đề hoàn toàn mới đối với người dân nên họ còn thăm dò và có người chưa hiểu đúng về chính sách vì vẫn còn tư tưởng được Nhà nước bao cấp. Thực tế, đúng là Nhà nước bao cấp nhưng chỉ là phần lãi, còn gốc họ phải trả. Và muốn được vay vốn thì ngư dân cũng phải có một số vốn nhất định.
Tôi lấy ví dụ một con tàu 7 tỷ đồng, ngư dân phải có vốn đối ứng 10%, tức là phải lo 700 triệu đồng. Đối với ngư dân bỏ ra 700 triệu đồng tiền tích lũy không phải dễ dàng. Vì nhiều ngư dân để có một chuyến đi biển chỉ hơn 150 – 180 triệu đồng họ còn phải vay “nóng” ở ngoài. Có thể nói, vốn đối ứng đang là vấn đề rất khó khăn đối với ngư dân.
Chưa kể theo quy định tại Nghị định, các thông tư hướng dẫn, máy đầu tư cho công suất lớn phải là máy mới, kể cả hoán cải, nâng công suất. Tuy nhiên, do tâm lý người dân tiết kiệm, họ muốn mua máy cũ 80-90% với giá rẻ hơn. Nhưng về phía cơ quan quản lý thì cho rằng đóng tàu to, tàu sắt đi ra ngoài khơi xa nếu không may máy hỏng, gặp sóng to gió lớn thì không đảm bảo an toàn tính mạng…
Tóm lại Nghị 67 không có gì vướng, vấn đề quan trọng nhất là trong thực tế triển khai nó phát sinh những vấn đề. Theo tôi, nếu như những hộ dân nào không đủ về tài chính, năng lực quản lý thì không nên giao vốn cho họ. Các ngân hàng phải rất thận trọng trong vấn đề này, không thể làm ào ào theo phong trào, không cẩn thận sẽ lại vướng vào những hạn chế của chương trình cũ, dân cũng khổ, ngân hàng càng khổ hơn.
Theo: nongthonviet.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn