Trong những năm vừa qua, trước những bất lợi về giá cả thị trường biến động, dịch bệnh xảy ra thường xuyên và diễn biến phức tạp, các trang trại chăn nuôi đã liên kết nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất như: hỗ trợ vốn sản xuất; mua vật tư đầu vào khối lượng lớn và giá rẻ; gắn sản xuất chăn nuôi với giết mổ, chế biến và tiêu thụ hình thành chuỗi sản phẩm... điều này đã làm cho giảm giá thành sản phẩm, tăng giá sản phẩm và chăn nuôi có lãi. Cụ thể:
Biểu đồ cơ cấu trại gia cầm phân theo vùng sinh thái (nguồn: Cục Chăn nuôi) |
- Liên kết hỗ trợ vốn sản xuất, mua vật tư đầu vào: Điển hình như Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây-Hà Nội) đã liên kết nhiều hộ chăn nuôi cùng mua giống, thức ăn, lập qũy hỗ trợ cho vay vốn trong hợp tác xã và xuất bán sản phẩm, tham gia quảng bá, xây dựng thương hiệu tại các hội chợ…
- Liên kết chuỗi sản phẩm: Điển hình là các mô hình chăn nuôi gia công của các doanh nghiệp nước ngoài (CP, JAPFA, ....) và một số doanh nghiệp trong nước như DABACO, Ba Huân, San Hà, ĐTK, Anh Kim (Cây Thị), Trần Nguyễn Hồ, Hương Việt,…..
HTX chăn nuôi và thủy sản Gò Công - Tiền Giang: Được thành lập ngày 13/4/2007, tổng vốn đầu tư 13.700 triệu đồng, tổng số lao động 50 người. Với các sản phẩm: heo, gà, vịt, lươn, nhưng chủ đạo của HTX là chăn nuôi gà. HTX sản xuất theo quy trình an toàn theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Chủ trương nuôi gà dài ngày, chất lượng thịt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng - đó cũng chính là chiến lược lâu dài của HTX.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (phải) và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị đẩy mạnh chăn nuôi và XK gia cầm hôm nay 12/4 (Ảnh: Tùng Đinh) |
Mô hình hợp tác sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế - Bắc Giang: Được thành lập năm 2010, với quy mô 800 hội viên trong lĩnh vực sản xuất chăn nuôi gà đồi Yên Thế chất lượng cao. HTX thực hiện nhiệm vụ chính: Tập trung vào lĩnh vực hoạt động vì lợi ích hội viên (đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho hội viên; cung cấp thông tin và tổ chức tham quan mô hình thực tiễn; kiến nghị và đề xuất chính sách tạo thuận lợi cho các hội viên để phát triển sản xuất; tổ chức tốt mối liên kết 4 nhà trong chăn nuôi gà đồi Yên Thế chất lượng cao); Tuyên truyền, vận động đầu tư phát triển sản xuất gà đồi; Xây dựng mô hình, tập huấn chuyển giao áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; Tổ chức phát triển sản xuất gà đồi (đề xuất UBND huyện quy hoạch, xây dựng các vùng chăn nuôi gà đồi chất lượng cao theo hướng bền vững; Phối hợp với các Viện, Trung tâm nghiên cứu, công ty giống để đảm bảo nguồn con giống có chất lượng). Tuy nhiên đến nay việc sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế đang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường (chưa sản xuất theo chuỗi hoàn chỉnh). - Đối với các liên kết chuỗi gà thịt, gà trứng tại các tỉnh, thu nhập bình quân/lao động dao động từ 3,5 đến 4,0 triệu đồng/lao động/tháng (Hải Dương, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế…) lên tới 5-6 triệu đồng/lao động/tháng (Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình…).
Diễn biến cơ cấu đàn gà cả nước giai đoạn 2015-2018 (nguồn: Cục Chăn nuôi) |
Việc hình thành và phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi gia cầm thịt và gia cầm trứng đã bước đầu được nhiều địa phương quan tâm. Các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi gà theo báo cáo từ các địa phương được nêu cụ thể như sau:
Với hình thức liên kết này các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết. Các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi gia công như: Công ty CP Việt Nam, Công ty Japfa, Công ty Emivest, Công ty TNHH MTV Bình Minh… Hình thức liên kết này được triển khai ở một số địa phương như: Hà Nội, Yên Bái, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Đồng Nai, Sóc Trăng…
Điển hình với liên kết chuỗi thịt gà ở Đồng Nai với hình thức Công ty TNHH MTV Bình Minh hợp tác với hộ nông dân, trang trại theo hình thức gia công. Về tiêu thụ sản phẩm theo hình thức bao tiêu theo hợp đồng và sản lượng đạt 4.200.000 con gà/năm tương ứng với 7.000 tấn thịt gà/năm. Chuỗi liên kết được cụ thể: Công ty đầu tư giống, thức ăn, quy trình nuôi, phòng bệnh – Hệ thống gia công (các trang trại chăn nuôi ký kết hợp đồng với công ty) – Công ty thu mua lại sản phẩm gà lông từ hệ thống gia công – Giết mổ, sơ chế tại cơ sở giết mổ, xưởng sơ chế của Công ty – Công ty phân phối cho các đối tác thông qua hợp đồng tại các địa điểm liên kết (tại các tỉnh Đắk Lắk, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và Tiền Giang).
Tại Trà Vinh, Công ty chăn nuôi CP Việt Nam đã triển khai hình thức nuôi gia công đối với sản phẩm gà thịt với quy mô 6.000-12.000 gà thịt/1 đợt nuôi, sản lượng xuất chuồng đạt 200 tấn/năm. Tương tự tại Thừa Thiên Huế, Công ty chăn nuôi CP Việt Nam cũng đã liên kết nuôi gia công với quy mô 84.000 con gà thịt/năm và sản lượng là 126 tấn thịt/năm.
Tại Hà Tĩnh, hiện có 2 cơ sở chăn nuôi gà quy mô lớn (có mặt thường xuyên 10.000 con/lứa) liên kết theo chuỗi với Công ty Japfa quy mô 10.000 con/lứa, lợi nhuận bình quân 200 triệu đồng/năm.
Liên kết chăn nuôi theo hình thức nuôi gia công cũng đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển tại các địa phương trong thời gian qua.
Diễn biến giá trứng tại Việt Nam giai đoạn 2016-2018 (nguồn: Cục Chăn nuôi) |
Liên kết giữa các trang trại chăn nuôi gia cầm (giống, thịt, trứng gia cầm) và thị trường tiêu thụ là các siêu thị, nhà hàng, chợ và các bếp ăn tập thể.
Chuỗi liên kết này được phát triển nhiều tại các tỉnh như Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An…
Điển hình là liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi của 4 doanh nghiệp để xuất khẩu thịt gà đi Nhật Bản: De Heus cung cấp thức ăn – Bel gà cung cấp con giống – Hùng Nhơn chăn nuôi – Koyu giết mổ và chế biến để xuất khẩu.
Tại Tiền Giang Tổ hợp tác Trần Nguyễn Hồ với 22 hộ chăn nuôi chim cút, xuất khẩu trứng chim cút đóng hộp. Công ty Anh Kim (nhãn hiệu sản phẩm là Cây Thị) liên kết với các hộ chăn nuôi gà ác, thu mua, giết mổ, chế biến xuất khẩu đi Mỹ.
Tại Hà Nội đã xây dựng thành công 8 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn; gà Mía Sơn Tây; vịt Vân Đình, Đại Xuyên; trứng vịt Liên Châu; trứng gà Tiên Viên; trứng sạch 729. Hình thức tiêu thụ của các chuỗi liên kết này chủ yếu là bán lẻ và một số bao tiêu theo hợp đồng (trứng sạch 729).
Tại Vĩnh Phúc, mô hình liên kết chuỗi trứng gà được hình thành liên kết giữa Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt với hai hộ chăn nuôi gà đẻ trứng. Công ty đã tổ chức kênh tiêu thụ sản phẩm (cửa hàng bán thực phẩm an toàn cho người dân). Quy mô sản xuất của chuỗi là 16.000 con/năm và sản lượng trứng là 3,5 triệu quả/năm. Hình thức tiêu thụ là bán lẻ tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn và bán buôn cho thương lái trên địa bàn tỉnh.
Diễn biến giá thịt gia cầm giai đoạn 2016 - 2018 (nguồn: Cục Chăn nuôi) |
Theo Cục Chăn nuôi, XK giống gia cầm hiện nay của nước ta bình quân từ 1,25-1,5 triệu con (thấp nhất là năm 2017 là 1,25 triệu con). Đối với sản phẩm gia cầm đã qua chế biến xuất khẩu: đối với trứng vịt muối duy trì mỗi năm khoảng từ 10 đến 15 triệu quả và thấp nhất ở năm 2018. Thịt gà qua chế biến bắt đầu xuất khẩu từ tháng 9/2017, năm 2018 đạt gần 8 ngàn tấn. Ngoài ra còn xuất khẩu trứng chim cút đóng hộp, gà ác tiềm, lòng đỏ trứng vịt muôi, trứng vịt muối luộc và bột trứng. ĐBSCL là nơi duy nhất xuất khẩu trứng vịt muối, hiện đang có 3 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu là DNTN Vĩnh Nghiệp (Vĩnh Long) 32,9%, Công ty TNHH SX TM&DV Nguyễn Phan 61% và XN CBTP Meko 6,1% (Cần Thơ). |
- Liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm an toàn:
Mô hình liên kết chăn nuôi này điển hình là mô hình chuỗi GreenFood Hà Nội và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch 3F của Hà Nội.
Chuỗi liên kết chăn nuôi GreenFood Hà Nội hiện nay gồm 30 trại chăn nuôi gà với 60.000 gà đẻ trứng và 35.000 gà thịt/lứa. Đây là chuỗi khép kín cung cấp đầy đủ cho các trại chăn nuôi từ thức ăn có chất lượng, giá hợp lý, cung cấp con giống, các cơ sở giết mổ công nghiệp và hệ thống cửa hàng tiện ích. Sản phẩm của chuỗi được phân phối tại 8 cửa hàng; 5 siêu thị; 12 trường học, bệnh viên; 25 bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội với sản lượng 100 tấn thịt gà/tháng và 25.000 quả trứng/tháng.
Ngày càng nỏ rộ các mô hình liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia cầm |
Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch 3F được tổ chức bởi Công ty Cổ phần thực phẩm sạch 3F với tiêu chí xây dựng thương hiệu thực phẩm sạch dựa trên hệ thống khép kín từ chăn nuôi trang trại- sơ chế- chế biến đến bàn ăn. Các trang trại vệ tinh thành viên của Công ty gồm 200 trang trại gà lớn nhỏ và hệ thống 15 trang trại lợn rừng và trại giống gốc 750 nái (6.000 đến 10.000 con lợn thương phẩm) kết hợp khu chế biến thực phẩm đóng gói thực phẩm sống (đã qua sơ chế) và thực phẩm chín (đã qua chế biến) với công suất 3 tấn lợn/ngày + 2.000 con gà/ngày + 100.000 quả trứng/ngày. Hệ thống phân phối tại hơn 100 siêu thị, 250 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định… Mới đây, Công ty đang mở rộng hệ thống tiêu thụ tại Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh…. và đã được nhận chứng chỉ ISO 9001-2000 và HACCP của tổ chức TQSI (Úc). Các sản phẩm thực phẩm được sản xuất trên quy trình khép kín, sử dụng thức ăn có nguồn gốc tự nhiên, tự canh tác theo tiềm năng vùng miền, sử dụng công nghệ vi sinh trong nâng cao chất lượng thức ăn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là đưa vào ứng dụng các sản phẩm thảo dược dùng để nâng cao sức đề kháng, cải tạo chất lượng thịt, trứng thơm ngon dần thay thế hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh (không sử dụng kháng sinh trong quá trình chăn nuôi). Kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hệ thống từ con giống, thức ăn, vệ sinh thú y, giết mổ chế biến và đặc biệt là tổ chức hệ thống phân phối (nhà hàng, siêu thị, đại lý, trường học) và hệ thống bán lẻ trực tiếp Quê Việt.
Diễn biến giá giống gia cầm giai đoạn 2016-2018 (nguồn: Cục Chăn nuôi) |
Trong những năm qua được hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như FAO, USAD, Cục Chăn nuôi đã xây dựng các mô hình mã định danh và truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi gia cầm tại Thái Nguyên và Tiền Giang, thực hiện mã định danh quốc gia cho 711 cơ sở chăn nuôi gia cầm được quản lý bằng phần mềm. Đồng thời, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc trứng gia cầm (gà và vịt) kết hợp thực hiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho các mô hình tại 2 tỉnh đảm bảo ATTP và tiếp tục thực hiện tại 5 tỉnh trong năm 2019. Rất nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm áp dụng công nghệ cao để thưc hiện việc xây dựng mã định danh cho sản phẩm như DABACO, Công ty Thanh Đức. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn