Mới đầu mùa mưa bão nhưng những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các sự cố sạt lở đê thuộc các huyện Ứng Hòa, Gia Lâm, Ba Vì...
Điều đó cho thấy, mặc dù đã được gia cố, tu bổ thường xuyên, song hệ thống đê điều của thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.
Sạt lở liên tiếp
Một trong những điểm nóng về sạt lở đê trong thời gian qua là xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa với hai điểm sạt lở đê tả Đáy dài 63m. Hai vị trí nói trên đều nằm sát ao hồ, từng mảng đất lở xuống, tách dần mái đê, tạo thành các rãnh nứt trên thân đê. Khi chúng tôi đến xã Đồng Tiến, cả người dân và lãnh đạo địa phương đều bày tỏ sự lo ngại về chất lượng đê điều. Ông Nguyễn Văn Căn, thôn Giang Đường, xã Đồng Tiến chia sẻ: "Tuy chưa gây ra sự cố nghiêm trọng nhưng sạt lở diễn ra liên tiếp, khiến chúng tôi không yên tâm khi đi lại trên tuyến đê".
Sạt lở đê Mỹ Hà, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Văn Thắng
Xã Đồng Tiến có khoảng 3km đê tả Đáy chạy qua, đây cũng là đường dân sinh. Theo UBND xã Đồng Tiến, nguyên nhân gây sạt lở là nền đê yếu, chân đê không có cơ, lại nằm sát ao hồ bị xâm thực nên gặp trời mưa, đê bị nhão và dễ sạt. Được biết, tháng 9/2011 trên địa bàn xã Đồng Tiến cũng đã xảy ra một vụ sạt lở đê với cung sạt trượt dài khoảng 300m. Ông Quản Ngọc Biết, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết, hiện vị trí tiếp giáp với đoạn sạt trượt năm ngoái đang có hiện tượng sạt tiếp. Nếu các đoạn đê này không sớm được gia cố thì vết sạt sẽ phát triển ngày càng nghiêm trọng.
Ngoài xã Đồng Tiến, thời gian qua trên địa bàn thành phố còn xảy ra một số vụ sạt lở đê tả Đuống, đê hữu Hồng trên địa bàn các quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Ba Vì… Nguyên nhân chính là do các cơ đê yếu, song cũng không thể không kể đến sự thiếu ý thức trách nhiệm của người dân và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ đê điều. Đơn cử, nhiều đoạn trên tuyến đê sông Hồng qua địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, cỏ dại, cây cối mọc um tùm hai bên thân đê. Đặc biệt, đoạn đê hữu Hồng qua xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên còn được người dân "tận dụng" trồng cỏ voi, trồng rau, gieo vừng. Tại cuộc kiểm tra đê điều, phòng chống lụt bão mới đây, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Đức Trung lo ngại: "Nếu có sự cố xảy ra trên đê, việc tiếp cận để khắc phục cũng khó khăn".
Tăng cường kiểm tra
Theo Sở NN&PTNT, hiện thành phố có gần 500km đê, trong đó có 4 trọng điểm và 12 vị trí xung yếu. Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân cho biết, hiện thành phố còn khoảng 95km đê cần gia cố, trong đó có 14,9km chân đê dọc tuyến sông Hồng và sông Đáy cần xử lý kè gấp.
Đoạn đê bị sạt lở trên địa bàn xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Văn Thắng
Sau khi các sự cố sạt lở đê xảy ra, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp cùng UBND các huyện nhanh chóng khắc phục. Hiện, Bắc bộ và Bắc Trung bộ mới bước vào đầu mùa mưa bão. Theo dự báo, thời tiết còn diễn biến phức tạp và mực nước sông Hồng có thể lên cao. Do đó, công tác kiểm tra, theo dõi đê điều cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Để đảm bảo an toàn cho các tuyến đê trong mùa mưa bão, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đã chỉ đạo các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ, tăng cường kiểm tra đê kè, nhất là các vị trí xung yếu để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố. Đồng thời, xử lý triệt để các vi phạm ảnh hưởng đến an toàn hành lang đê điều như khai thác cát trái phép, tập kết vật liệu trên mặt đê...
Về lâu dài, để đảm bảo an toàn đê điều, cùng với việc tu bổ đê, nhiều địa phương kiến nghị Thành phố có phương án cụ thể để hỗ trợ, giải tỏa hành lang bảo vệ đê điều. Ông Bùi Quang Vĩnh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa chia sẻ, toàn huyện Ứng Hòa có trên 36km đê tả Đáy, trong đó 20km là đê kết hợp với đường giao thông, dân cư sinh sống đã lâu năm. Do đó, Thành phố cần có chính sách hỗ trợ huyện giải tỏa dân cư trong hành lanh đê điều, kết hợp xây dựng hệ thống giao thông, phục vụ dân sinh để tránh tình trạng tái lấn chiếm mặt đê. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ thanh tra đê điều đủ mạnh để có thể xử phạt ngay khi phát hiện vi phạm...
Thắng Văn
Nguồn:ktdt.com.vn