Cách đây hơn 1 năm qua một người quen giới thiệu, anh Trần Xuân Trường ở xóm Đồng Huề, xã Vượng Lộc được Công ty TNNH Hùng Vương, chi nhánh Hà Nội cử người về tại gia đình hướng dẫn kỹ thuật nuôi giun cao sản, sau đó ký hợp đồng nhập giống và các loại chế phẩm cùng với các thiết bị để nuôi. Theo bản hợp đồng được ký kết, đến kỳ thu hoạch, công ty Hùng Vương chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm và tiếp tục cung cấp con giống, vật tư và các loại chế phẩm sinh học để các hộ tiếp tục nuôi giun. Theo lời giới thiệu của công ty thì loại giun quế được xuất khẩu để làm thuốc chữa bệnh tai biến, làm kem dưỡng da và chế biến thực phẩm, nhu cầu rất lớn nên không thiếu nơi tiêu thụ.
Để xây dựng được chuồng trại, anh Trường đã vay vốn ngân hàng và người thân, quen với tổng số tiền 150 triệu đồng, trong đó chi phí ban đầu nhập 2 tạ giun giống 120 triệu đồng, còn lại anh xây dựng chuồng trại, mua máy chế biến thức ăn và các loại chế phẩm sinh học do công ty Hùng Vương cung cấp.
Trong suốt thời gian hơn 1 năm, vợ chồng anh tập trung phần lớn thời gian vào trang trại giun, 7 tháng đầu anh xuất được 2 lứa thu về 30 triệu đồng, đến lứa thứ 3 thì số lượng giun ngày càng chết dần và công ty Hùng Vương biện nhiều lý do đơn phương cắt hợp đồng và không tiếp tục thu mua nữa.
Anh Trần Xuân Trường cho biết, từ khi công ty đơn phương cắt hợp đồng và bỏ trốn, gia đình lâm vào cảnh trắng tay, giun thì đến kỳ thông ai mua, nợ ngân hàng và vay lãi cao thì không có tiền trả, gia đình đã ra công ty ở Hà Nội, nhưng theo địa chỉ trong hợp đồng thì tìm không thấy.
Cách trang trại nuôi giun của anh Trần Xuân Trường khoảng 1km là trang trại nuôi giun của chị Trần Thị Đơn, xóm 10, xã Vượng Lộc, trước đây là 3 dãy chuồng lợn với hệ thống bể biôgas, trung bình mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Như anh Trường, sau khi thông qua môi giới, được công ty Hùng Vương ký hợp đồng, chị bán toàn bộ lợn, phá dỡ chuồng trại để chuyển hướng sang nuôi giun, chị vay ngân hàng và anh em họ hàng với tổng số tiền 250 triệu đồng. Sau hơn một năm, công ty Hùng Vương chỉ thu mua được 2 lứa với tổng số tiền 40 triệu đồng sau đó không tiếp tục thu mua và đơn phương chấm dứt hợp đồng. Chỉ sau một năm gia đình chị Đơn thua lỗ đến 210 triệu đồng.
Chị Đơn kể lại, bước đầu thấy công ty về bao tiêu sản phẩm chúng tôi rất mừng, nhưng không ngờ lại bị lừa, gia đình chúng tôi hiện nay lâm vào cảnh rất bi đát và không biết lấy đâu ra tiền mà trả nợ.
Không chỉ có 2 gia đình ở xã Vượng Lộc mà trên địa bàn toàn huyện, đã có 15 hộ ở các xã Vượng Lộc, Vĩnh Lộc, Yên Lộc, Gia Hanh, Quang Lộc và Mỹ Lộc ký hợp đồng với công ty Hùng Vương, đều thông qua môi giới, trung bình mỗi hộ nông dân đầu tư trang trại nuôi giun từ 150 đến 250 triệu đồng. Cũng với cách làm tương tự như 2 hộ anh Trường và chị Đơn, sau hơn 1 năm công ty Hùng Vương đều đơn phương chấm dứt hợp đồng và bỏ trốn, làm cho các hộ dân thiệt hại trên 2 tỷ đồng, hiện nay các hộ đều lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần do nuôi giun quế.
Để thực hiện thành công, trước đó công ty Hùng Vương chỉ ký hợp đồng trực tiếp với các hộ dân mà không thông qua chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chức năng Nhà nước, khi bị lừa và bị chiếm dụng tài sản, các hộ dân cũng không rõ Công ty này đóng trụ sở ở đâu và người trực tiếp ký hợp đồng hiện ở nơi nào. Trước sự tổn thất to lớn của người dân hiện nay các rất cần cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ.
Một số hình ảnh tan hoang:
Việt Thắng