Ông Vũ Quốc Huy (ảnh)-Trưởng ban Dân tộc, tôn giáo, an ninh và quốc phòng (T.Ư Hội NDVN) cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn NTNN xung quanh tình trạng phá hoại sản xuất ở nông thôn hiện nay.
Ông nhận định thế nào về loại tội phạm phá hoại sản xuất như đốt mía, chặt chân gia súc, chặt hạ cà phê, bỏ thuốc sâu xuống ao, hồ mà Báo NTNN đã phản ánh?
- Tôi cho rằng, đa số các vụ việc mà Báo NTNN phản ánh đều xuất phát từ mâu thuẫn trong nội bộ ND, mâu thuẫn giữa ND với doanh nghiệp, thậm chí giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Những mâu thuẫn này phát sinh trong đời sống sản xuất. Có vụ việc phát sinh từ nguyên nhân vụn vặt có tính chất tư thù cá nhân nhưng khá phổ biến ở nông thôn như tranh chấp đường dẫn nước, ranh giới bờ ruộng, ao cá... Có vụ việc phát sinh từ lợi ích kinh tế giữa ND với doanh nghiệp, giữa thương lái mua bán nông sản tự do với doanh nghiệp, đơn vị đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu nông sản. Các vụ việc cần được các cơ quan chức năng làm rõ, bóc tách và tìm ra nguyên nhân...
Nông dân thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, Hoà Vang, Đà Nẵng diễn tập “Tiếng mõ an ninh”. |
Ông có nói, việc phát hiện và hóa giải kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ ND, giữa ND với doanh nghiệp sẽ góp phần hạn chế phát sinh tình huống phạm tội?
- Đúng vậy, qua hơn 10 năm các cấp Hội NDVN tham gia thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm cho thấy, nhiều trường hợp, nhờ nắm bắt tình hình sát sao, báo cáo nhanh của các tổ chức, hội đoàn thể, trong đó có Hội ND nên chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng đã kịp thời giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ ND, ngăn chặn được nguy cơ phát sinh tình huống tội phạm. Hoà giải, giải quyết vụ việc có lý có tình là một trong những giải pháp hóa giải mâu thuẫn trong nội bộ ND...
Vậy việc tuyên truyền, vận động hội viên, ND tham gia đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn được các cấp hội thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Các cấp hội tổ chức chức phổ biến quán triệt Nghị quyết 09/1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Năm 2002, T.Ư Hội NDVN và Bộ Công an ký kết chương trình phối hợp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm. Lực lượng công an đã tổ chức tập huấn kiến thức về phòng, chống tội phạm cho cán bộ hội ND các cấp; cùng với hội xây dựng lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở như: tổ tự quản, tổ hoà giải, đội dân phòng, tổ công an viên... Hai ngành đã phối hợp tổ chức hàng trăm buổi giao lưu kiến thức phòng chống tội phạm giữa các CLB ND dưới hình thức sân khấu hóa. Các Luật Dân sự, Hình sự; Hòa giải; Khiếu nại, Tố cáo; Đất đai... được tuyên truyền, phổ biến bằng các tình huống, câu chuyện sinh động dễ hiểu, dễ vận dụng...
Các cấp Hội ND và ngành công an cũng xây dựng và nhân rộng các mô hình "Làng chài tự quản" (Nam Định); mô hình "Tiếng mõ an ninh" (Bến Tre, Đà Nẵng); "Chi hội an toàn" (Long An); "Giúp đỡ người hoàn lương" (Nghệ An); "Tiếng mõ an ninh với 4 không, 3 quản, vây chặt, bắt gọn" (Đà Nẵng); "Tiếng kẻng dân phòng" (Khánh Hòa); Câu lạc bộ "Ba giảm, một không" ở Hải phòng; Câu lạc bộ "Hướng thiện" Bắc Ninh... Tại những địa phương có mô hình, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, trong đó phát huy tối đa sự tự giác vào cuộc của hội viên, ND...
Theo ông, giải pháp nào để hạn chế, ngăn chặn các hành vi phá hoại sản xuất?
- Cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hội viên, ND tại những địa phương dễ phát sinh các hành vi phá hoại sản xuất (thường là những địa phương có phát triển nông sản hàng hóa tập trung). Công tác tuyên truyền, vận động đi liền với việc phát hiện, tố giác và nghiêm trị những kẻ phá hoại. Việc phát hiện, tố giác cần khuyến khích người dân tham gia. Mỗi người dân phải là tai mắt trong phát hiện, tố giác tội phạm. Mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ ND thì có thể vận động, hòa giải, còn các mâu thuẫn lớn về lợi ích kinh tế giữa ND với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thì cần được các ngành chức năng giải quyết thấu đáo...
Đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm, hài hòa lợi ích và đảm bảo tương đối công bằng trong cơ hội thu nhập giữa các đối tượng trong chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa cũng góp phần ngăn ngừa các hành vi phá hoại sản xuất... Chương trình phối hợp giữa Hội NDVN và Bộ Công an, giai đoạn 2012-2016 sẽ chú ý tới việc ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi phá hoại sản xuất...
Xin cảm ơn ông!
Ông Trịnh Văn Châu Nhân - Trưởng ban Tuyên huấn Hội nông dân Cần Thơ: Tăng cường sự đoàn kết, nêu cao sự cảnh giác Trong báo cáo hàng tháng, quý của chúng tôi đều có báo cáo bức xúc của bà con nông dân đến với các cơ quan chức năng. Để đề phòng kẻ xấu phá hoại đặc biệt là trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Hội khuyến cáo bà con cần nên cảnh giác đối với những đối tượng lạ, nếu cần thiết phải báo chính quyền địa phương để đề phòng kẻ xấu phá hoại. Trên địa bàn TP.Cần Thơ cá tra là một trong những nguồn lợi thủy sản chủ lực, vì thế chúng tôi thường xuyên động viên người nuôi cá đoàn kết, gây dựng môi trường nuôi an toàn, người người, nhà nhà cùng cảnh giác. Mặt khác, cán bộ hội viên nông dân các cấp xã, phường, quận, huyện cần phải nghiên cứu thực hiện vai trò nông dân đoàn kết để cùng nhau đề phòng, cảnh giác kẻ xấu. Quan trọng nhất là mối quan hệ đoàn kết, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành địa phương. Đức Khánh (ghi) |
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn