Sau 4 tháng triển khai, nhìn chung các địa phương cơ bản hoàn thành các mục tiêu và kết quả đạt theo kế hoạch đã triển khai. Bước đầu ngăn chặn có hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo kết quả giám sát thì tỉ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh trong sản phẩm thịt giảm so với 9 tháng đầu năm 2015. Bước đầu đã hình thành một số điểm bán nông, thủy sản an toàn đã được kiểm soát theo chuỗi và được giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Triển khai đợt cao điểm, Hà Tĩnh đã thành lập các đoàn kiểm tra trên diện rộng, phát hiện và xử phạt 33 cơ sở vi phạm, phạt tiền 112 triệu đồng, tiêu hủy gần 200 kg giò chả, 10 kg thuốc thú y ngoài danh mục, thức ăn chăn nuôi quá hạn sử dụng; buộc thu hồi, trả về nơi sản xuất đối với các loại giống, thuốc Bảo vệ thực vật không hợp quy sản xuất hoặc quá hạn sử dụng... Các huyện, thành phố, thị xã cũng đã thực hiện kiểm tra, xử lý 217 cơ sở loại C và ra quyết định xử phạt, thông báo đình chỉ sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở không đủ điều kiện.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá cao sự vào cuộc của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong công tác phối hợp thực hiện, qua đó đã tạo được chuyển biến trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các cơ sở lưu thông, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi. Tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, xử lý, các trường hợp không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, cần thông tin một cách chính xác về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh đến tận người dân.
Các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tiếp tục phát huy đường dây nóng, vận động nhân dân đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm…
Theo Tuệ Trang/hatinhtv.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn