Ðuối sức trên "sân nhà"
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ðức Rỵ cho biết: "Thị trường suy giảm do dịch bệnh liên miên, cộng với nguồn lực tài chính kém, khiến các doanh nghiệp trong nước, trang trại chăn nuôi khó "vượt" qua khó khăn. Có thể nói chưa bao giờ ngành chăn nuôi nước ta gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhất là đối với ngành chăn nuôi lợn và gia cầm. Nhiều hộ chăn nuôi đã phải bỏ nghề, các doanh nghiệp sản xuất trong nước điêu đứng. Ðiều dễ thấy là giá cả bấp bênh, cùng với sức tiêu thụ thực phẩm giảm sút đã tác động rất mạnh đến ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là giá thành sản xuất luôn bị đẩy cao, cùng với đó là tình trạng thiếu vốn, lãi suất tín dụng... càng làm các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi đuối sức trong cuộc cạnh tranh ngay trên "sân nhà".
Trong lúc chăn nuôi trong nước đang gặp khó thì nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và phát triển hệ thống chăn nuôi gia công. Ðiều này đã được chúng tôi kiểm chứng ngay tại HTX chăn nuôi lớn nhất nhì TP Hà Nội, khi trao đổi với Chủ nhiệm HTX Cổ Ðông (TX Sơn Tây) Trần Văn Chiến cũng thừa nhận, trong tổng số 260 hộ xã viên của HTX, có tới 70% là nuôi gia công cho Công ty CP (Thái-lan) và Japfa (In-đô-nê-xi-a), số hộ còn lại tự tổ chức chăn nuôi theo thị trường. Ông Chiến trăn trở, với tình hình chăn nuôi bấp bênh như hiện nay, khả năng đến cuối năm 2013, số trại nuôi gia công cho nước ngoài sẽ tăng hơn nữa, và lúc đó HTX chỉ còn lại một ít trang trại do các hộ tự quản, nắm giữ; trong đó chủ yếu chỉ là mô hình nuôi các con đặc sản: gà thả vườn, lợn mán, lợn rừng và cá sấu...
Chồng chất khó khăn
Hiện nay chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 65% đến 70% về đầu con và 55% đến 60% về sản phẩm). Hơn thế, vốn đầu tư cho chăn nuôi tập trung vẫn còn hết sức hạn hẹp, chưa được quan tâm một cách đúng mức, lãi suất vừa cao, lại vừa khó tiếp cận. Trong những năm qua, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển, đầu tư chăn nuôi, song chưa đủ mạnh, chưa có tính kết nối, huy động các nguồn lực xã hội vào phát triển chăn nuôi cho nên vẫn chưa tạo được môi trường thuận lợi, cũng như những ưu đãi cần thiết cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực đầy rủi ro này. Bên cạnh đó, tổ chức hệ thống của ngành chăn nuôi chưa được hoàn thiện, nhất là ở các địa phương làm ảnh hưởng chung đến hiệu quả công tác quản lý, điều hành trong phạm vi toàn ngành. Ðây cũng chính là yếu thế của ngành trong cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI, và cũng tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tai xanh xuất hiện với tần suất gia tăng và ngày một ngắn lại. Cộng với đó là công tác kiểm soát, xử lý môi trường chưa thường xuyên cho nên nạn ô nhiễm do chăn nuôi gây ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Ðể ngăn chặn dịch bệnh, chúng ta chủ yếu vẫn "chạy" theo dịch để chống chứ chưa chủ động trong phòng dịch, gây tốn kém cho ngân sách cũng như hộ chăn nuôi. Rồi công tác kiểm soát, ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu thực hiện vẫn chưa nghiêm, tạo kẽ hở cho nhập lậu con giống, sản phẩm gia súc, gia cầm, dẫn đến giảm sức cạnh tranh sản phẩm của ngành. Thêm vào đó, tốc độ tăng trên đầu gia súc, gia cầm nhanh không cân xứng với việc chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi (TACN) kéo theo sự nhập khẩu nguyên liệu thức ăn, con giống, thuốc thú y làm cho giá thành sản phẩm tăng cao hơn các nước trong khu vực, từ đó làm mất sức cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước. Hiện tại, có tổng số 38 nhà máy TACN tại Việt Nam có sản lượng hơn 100 nghìn tấn/năm (trong đó, 21 nhà máy 100% vốn nước ngoài, 14 nhà máy 100% vốn Việt Nam và ba nhà máy liên doanh). Ðể sản xuất được khoảng 12,7 triệu tấn thức ăn cho gia súc, gia cầm và 2,8 triệu tấn thức ăn nuôi trồng thủy sản, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng tám triệu tấn nguyên liệu, trị giá hơn ba tỷ USD. Vì vậy, khi thị trường TACN thế giới biến động, ngay lập tức ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Mặt khác, so với các nước trong khu vực, giá bán các loại TACN trong nước luôn cao hơn khoảng 20%, là một trong những nguyên nhân khiến người chăn nuôi thua lỗ vì thức ăn hiện chiếm 65 đến 70% giá thành chăn nuôi. Hệ thống giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi đã yếu lại còn thiếu, cũng là nguyên nhân gián tiếp làm tăng chi phí trung gian trong phân phối sản phẩm, dẫn đến thực trạng "nông dân bán giá dưới đất, tiểu thương bán giá trên trời", khiến người chăn nuôi bị thua thiệt và người tiêu dùng cũng bị thiệt theo.
Tạo "cú huých" cho chăn nuôi
Trại chăn nuôi lợn của anh Bùi Văn Thắng, thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: MAI LIÊN
Ðể vực dậy ngành chăn nuôi, biến những bất lợi thành có lợi, các nông hộ phải liên kết chặt chẽ, tạo ra sức mạnh; các doanh nghiệp cũng phải thay đổi phương thức tổ sản xuất theo kiểu riêng rẽ "từng khúc, từng đoạn" như hiện nay thành sản xuất theo chuỗi sản phẩm của ngành hàng. Ðược biết, để thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, đến nay, cả nước đã có gần 50 tỉnh, thành phố hoàn thành quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp nói chung, cũng như ngành chăn nuôi nói riêng. Tuy nhiên để tạo "cú huých" cho ngành, trước mắt "nội bộ" ngành phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt một cuộc cải tổ, nhằm tái cơ cấu, tổ chức sản xuất chăn nuôi phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi Trần Xuân Dương, thời gian tới sẽ tập trung tái cơ cấu phương thức sản xuất, theo hướng khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn. Chăn nuôi nhỏ lẻ từng bước tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp có kiểm soát, bảo đảm an toàn sinh học; phát triển loại vật nuôi có thế mạnh, có thị trường như lợn, gà thả vườn, bò sữa. Về địa bàn, chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân cư cao (đồng bằng) chuyển lên vùng có điều kiện về không gian, sinh thái rộng như vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, vùng trung du miền núi phía bắc. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy nhanh việc hoàn thiện quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với hệ thống giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm và gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời, xây dựng và nhất thể hóa hệ thống tổ chức ngành chăn nuôi trong phạm vi toàn ngành.
Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: "Cần có sự can thiệp của Nhà nước nhằm hỗ trợ khâu liên kết và đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi. Vì thực tế cho thấy, các trang trại tự lo được con giống, một phần thức ăn, chăn nuôi khép kín với quy mô lớn từ 100 con lợn nái trở lên, xét tổng thể cả một quá trình thì vẫn có lợi nhuận và đủ sức duy trì sản xuất. Chăn nuôi là ngành hàng đặc thù, vì vậy cần được ưu tiên gói tín dụng hỗ trợ lãi suất và nên bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng TACN để giảm giá thành đầu vào".
Theo nhandan.org.vn