Trên thực tế quan hệ giữa Trung Quốc và Philipines đã có lúc vô cùng căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Năm 2013, Manila đã nộp đơn lên Toà trọng tài Trọng tài thường trực The Haye (PCA) để kiện Trung Quốc các vấn đề trên Biển Đông. Đáp lại, Bắc Kinh đưa ra một loạt động thái gây sức ép về chính trị, kinh tế và ngoại giao.
Trung Quốc mua 496 triệu USD chuối từ Philippines năm 2018, tăng 71% so với năm 2017. |
Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu số lượng lớn chuối từ Philippines, với các lý do đưa ra liên quan tới vệ sinh, an toàn thực phẩm. Động thái này của Trung Quốc đã khiến nhiều nông dân Philippines điêu đứng. Hiệp hội những người trồng và xuất khẩu chuối Phippines cáo buộc, quyết định của Trung Quốc có động cơ chính trị. Ít tháng trước thời điểm tháng 5/2016 khi ông Rodrigo Duterte, thị trưởng thành phố Davao thuộc miền nam Mindanao đắc cử Tổng thống, Trung Quốc đã tiêu huỷ 35 tấn chuối nhập khẩu từ Philippines vì “không đảm bảo yêu cầu vệ sinh”. Số lượng chuối trên trị giá khoảng 33.000 USD.
Mặc dù vậy, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã thay đổi hoàn toàn sau khi ông Duterte đắc cử, thay thế cựu Tổng thống Benigno Aquino. Tháng 10/2016, ông Duterte đã có chuyến công du Bắc Kinh và sau đó, Philippines chính thức tuyên bố “nghỉ chơi” với Mỹ, một đồng minh lâu năm. “Món quà” Tổng thống Rodrigo Duterte nhận lại từ Trung Quốc là cam kết tăng số lượng trái cây nhập khẩu từ Phillippines cùng các gói đầu tư lên tới 24 tỉ USD từ ông Tập Cận Bình.
Theo tờ Nikkei (Nhật Bản), hồi năm ngoái Trung Quốc đã mua 496 triệu USD chuối từ Philippines, tăng 71% so với năm 2017. Trong khi đó theo dữ liệu của Philippines, đơn đặt hàng từ Nhật Bản tăng 24%, lên 485 triệu USD.
“Theo cách nào đó, xuất khẩu chuối (từ Philippines vào Trung Quốc) như một biểu tượng quan hệ hai nước. Nó từng là biểu tượng cho sự đổ vỡ quan hệ giữa đôi bên trước đây, và giờ là bình thường hoá quan hệ”-giáo sư Herman Kraft, thuộc Đại học quan hệ quốc tế Philippines bình luận.
Theo Nikkei, Nhật Bản và Trung Quốc dường như đang có các chiến lược riêng để gia tăng ảnh hưởng ở Philippines. Trong khi Nhật Bản thúc đẩy các dự án đường sắt thì Trung Quốc tập trung vào nông nghiệp, trực tiếp là chuối.
Sơ chế chuối trước khi xuất khẩu. |
Ở đây có sự khác biệt giữa thị trường Nhật Bản với Trung Quốc. Tokyo đang siết chặt kiểm soát chất lượng chuối nhập khẩu từ Philippines, ngược lại Bắc Kinh tỏ ra cởi mở hơn. Điều này cũng dẫn tới thực tế nhiều công ty Philippines chuyển hướng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Raffy Caycong, giám sát một trang trại rộng 84 hec-ta của công ty ARR Agribusiness tại Davao Del Norte cho biết, công ty sẽ chuyển toàn bộ sản phẩm sang Trung Quốc vào năm nay. ARR Agribusiness từng xuất khẩu 30% sản phẩm vào thị trường Nhật Bản, nơi họ phải chịu thuế 8-18%. Trong khi đó nếu vào Trung Quốc, họ được miễn thuế.
Một chi tiết đáng chú ý, xuất khẩu chuối của Philippines đạt 1,4 tỉ USD năm ngoái và khu vực này sử dụng khoảng hơn 400.000 lao động (gồm cả tù nhân), nhiều trong số đó đến từ vùng Davao, quê hương của ông Duterte. Chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Duterte có sự tham gia của nhiều nhà trồng và xuất khẩu chuối.
Theo giáo sư Kraft, đối với Tổng thống Duterte, chính trị vẫn “mang tính địa phương”, và một cách đích hướng tới là mang lại lợi ích cho người dân Davao. Trong khi đó, bằng việc nhập khẩu thêm chuối từ Philippines, Bắc Kinh hướng tới cạnh tranh ảnh hưởng với Nhật Bản ở quốc gia này.
Đối với những người trồng và xuất khẩu chuối ở Philippines, Trung Quốc với 1,3 tỷ dân là một thị trường tiềm năng và hấp dẫn không thể bỏ qua.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn