Tại một số địa phương vẫn còn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi - Ảnh minh họa: Thùy Dung
Tại Hội nghị triển khai công tác quản lý lợn đực giống và kiểm tra thức ăn chăn nuôi (TACN) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tổ chức sáng nay 6-4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NNPTNT, cho biết các cuộc thanh tra, kiểm tra năm 2014 cho thấy hiện tượng sử dụng chất cấm trong sản xuất TACN là khá phổ biến.
Năm 2014, ngành chăn nuôi đã tiến hành kiểm tra chất lượng TACN tại 88 cơ sở sản xuất TACN, 71 cơ sở kinh doanh TACN, 256 cơ sở chăn nuôi heo thịt, 33 cơ sở giết mổ heo và 14 cơ sở kinh doanh thịt heo.
Trong số các mẫu được lấy để kiểm tra, bao gồm 329 mẫu TACN, 311 mẫu nước tiểu lợn thịt, 346 mẫu thịt, gan, thận heo, thì có đến 11,6% mẫu vi phạm các chỉ tiêu chất lượng (protein thô, axit amin, khoáng…), 2,4% mẫu vi phạm các chỉ tiêu an toàn, và 5,2% số mẫu dương tính với chất cấm. Các mẫu nước tiểu cũng cho thấy có 3,86% dương tính với chất cấm; thịt, gan, thận có 17,7% số mẫu tồn dư kháng sinh.
Song, điều đáng chú ý là tại một số địa phương, tình trạng sử dụng chất cấm trong chế biến TACN, thuốc thú y và chăn nuôi vẫn xảy ra, đặc biệt là thời kỳ cao điểm, khi giá thịt heo tăng cao. “Đây là lỗi vi phạm rất khó phát hiện. Nhiều đối tượng, bao gồm cả doanh nghiệp, thương lái và người chăn nuôi, sử dụng mánh khóe tinh vi để kinh doanh và sử dụng chất cấm,” ông Dương nói.
Ông Dương khẳng định, trong năm 2015, các cơ sở bị phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt trong đó có biện pháp đình chỉ sản xuất, kinh doanh và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các cơ sở sử dụng chất cấm, các cơ sở bị loại C (không đạt tiêu chuẩn theo thông tư 14 của Bộ NNPTNT) nhưng cố tình không khắc phục hậu quả qua 2 lần kiểm tra.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra an toàn thực phẩm trong ngành chăn nuôi năm 2015 sẽ tập trung vào những cơ sở sản xuất, gia công, nhập khẩu TACN; cơ sở kinh doanh TACN, thuốc thú y và cơ sở chăn nuôi.
Cụ thể, với các cơ sở sản xuất, gia công, nhập khẩu TACN sẽ tập trung vào các cơ sở có quy mô vừa, nhỏ (công suất thiết kế nhỏ hơn 15.000 tấn/năm), cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung, cơ sở xếp loại C, cơ sở không có địa chỉ rõ ràng.
Đối với các cơ sở kinh doanh TACN, thuốc thú y, việc kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn bổ sung và thuốc thú y, cơ sở xếp loại C, cơ sở không có địa chỉ rõ ràng.
Còn tại cơ sở chăn nuôi, đối tượng tập trung sẽ là nhóm có nguy cơ cao như các cơ sở tự phối trộn thức ăn, sử dụng thức ăn tận dụng từ các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khu công nghiệp...
theo thesaigontimes
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn