Vô cùng nguy hiểm
Theo một thành viên trong đoàn kiểm tra, mỗi trang trại vi phạm có đàn heo khoảng 100 con. Có trường hợp khi đoàn vào lấy mẫu nước tiểu trên heo đã gặp phải sự phản ứng của một số chủ trang trại.
Khi xác định các mẫu dương tính với chất cấm, Chi cục Thú y Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt mỗi hộ 15 triệu đồng về hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đồng thời lập biên bản, yêu cầu từng trại giữ lại đàn heo có dương tính với chất cấm.
Theo một thương lái heo tại Biên Hòa, việc sử dụng chất cấm để tạo nạc trong chăn nuôi là do người dân ham lợi nhuận nhưng cũng do một số thương lái ép họ phải làm như vậy.
Thương lái này giải thích, heo sử dụng chất tạo nạc lớn nhanh hơn, ít mỡ, nhiều nạc và màu sắc thịt tươi, được người sử dụng và các công ty chế biến ưa dùng.
Do đó, chính thương lái ép nông dân phải sử dụng chất cấm này, nếu không sẽ không mua heo. Do đây là chất cấm nên thương lái chính là đầu mối phân phát tới các trang trại liên kết làm ăn với họ và trả thêm 1.000-2.000 đồng/kg heo “ăn thuốc” so với heo thường.
Theo kinh nghiệm của thương lái, chỉ cần dùng mắt thường cũng phân biệt được heo nào dùng thuốc heo nào không. “Heo thường thấy người vào thì kêu và di chuyển đi chỗ khác; còn heo nuôi bằng thuốc tạo nạc thì nằm im trên sàn chỉ thở. Một số con heo cố đứng lên nhưng không được do chân yếu, muốn bước đi cũng không nổi”.
GS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, khẳng định: Đây là chất clenbuterol và salbutamol, những chất yêu cầu không được dùng để chăn nuôi. Chúng bị cấm sử dụng vì nó thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng sản phẩm thịt còn dư lượng các chất này. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng mới phát hiện được, song ở tỷ lệ nhỏ và tập trung ở phía Nam, còn phía Bắc thì chưa có nhiều.
Theo tìm hiểu, salbutamol đã được chứng minh gây quái thai ở chuột khi tiêm dưới da với liều tương ứng gấp 14 lần liều khi dùng ở người. Hiện nay chưa biết salbutamol có tiết vào sữa mẹ không, nhưng vì khả năng gây quái thai ở một số súc vật, nên cần thận trọng khi dùng thuốc cho người mẹ cho con bú.
Các bác sĩ cho biết, ngộ độc thức ăn có chứa clenbuterol rất nguy hiểm đối với bệnh nhân tim mạch, đặc biệt những bệnh nhân bị rối loạn nhịp, suy tim và bệnh mạch vành. Clenbuterol cũng tích lũy nhiều trong nội tạng của động vật, đặc biệt gan. Clenbuterol không bị hủy khi đun nấu nhiệt độ cao.
Cấm xuất chuồng 2 tháng để heo sạch sẽ
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Tình trạng này đã xảy ra nhiều lần trước đây nhưng có thể do xử phạt, chế tài chưa đủ răn đe nên nó cứ tái đi tái lại nhiều lần”.
Cũng theo ông Công, từ trước tới nay không chỉ hiệp hội mà quan điểm của tất cả những người chăn nuôi chân chính luôn mong muốn cơ quan chức năng mạnh tay hơn với những hành vi chăn nuôi thiếu đạo đức.
“Sự việc hiện nay không thể nói những người vi phạm không biết, mà đây là hành vi biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Vấn đề này liên quan đến ý thức của người chăn nuôi. Đây là một điều đáng buồn cho ngành chăn nuôi Đồng Nai”, ông Công nói.
Nhưng biện pháp nào để xử lý nghiêm các trang trại sử dụng chất cấm?Theo ông Nguyễn Trí Công, ngoài xử phạt theo quy định, cơ quan chức năng tại địa phương cần có hình thức xử phạt bổ sung nặng hơn.
Cụ thể, hiện nay khi đàn heo dương tính với chất cấm cho tạm giữ đàn trong 10 ngày rồi xét nghiệm lại thì cần tạm giữ khoảng hai tháng để heo hoàn toàn sạch sẽ, không còn tồn dư chất nguy hại mới cho xuất chuồng.
Trong khi đó, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, nhấn mạnh: “Xử phạt hành chính, công khai danh tính người vi phạm, chúng tôi cũng làm rồi. Nhưng theo tôi, biện pháp lâu dài phải tính toán đến việc xử lý hình sự các chủ trang trại mua bán, sử dụng chất cấm để bảo vệ các trại nuôi heo chân chính”.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), khẳng định: Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đều có quy định cấm sử dụng. Để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cần đẩy mạnh lấy mẫu thịt, nước tiểu ở các lò mổ để kiểm tra, giám sát. Khi phát hiện phải ngăn chặn, xử lý. Nặng có thể đóng cửa không cho hoạt động.
Còn ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết, chính ông đã đề xuất lên Bộ Nông nghiệp và PTNT cấm sử dụng chất Salbutamol, Clenbuterol trong chăn nuôi. Hiệp hội đã quán triệt tới từng hội viên là các nhà máy, xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc cấm sử dụng chất này.
Đến nay, Hiệp hội chưa nhận được thông tin nào về các nhà máy chế biến thức ăn gia súc là thành viên sử dụng chất tạo nạc. Nếu hội viên nào có hành vi gian dối, sử dụng chất tạo nạc cùng thức ăn gia súc sẽ không còn là hội viên của Hiệp hội và sẽ kiến nghị cơ quan chức năng đóng cửa nhà máy.
P.V (tổng hợp)
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn