Luật đất đai 2013 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt của lĩnh vực này, trong đó quan trọng nhất là mục tiêu đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân bị thu hồi đất.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, kể từ khi luật đất đai năm 2003 bắt đầu có hiệu lực, đã có gần 1 triệu lượt đơn thư, khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong số này số lượng các vụ khiếu nại tố cáo đúng, hoặc có đúng có sai chiếm tỷ lệ gần 50%. Cũng có nghĩa là 10 năm qua, trong lĩnh vực đất đai đã có xấp xỉ gần 500.000 sai phạm của các cấp chính quyền.
Những con số thống kê cho thấy, luật đất đai 2003 đang tồn tại nhiều bất cập. Đó cũng chính là nguyên nhân của tình trạng lạm quyền và hoặc tham nhũng của cán bộ, thiệt thòi và bức xúc của nhân dân. |
Việc định giá đất đền bù sẽ có thay đổi (Ảnh: VnE) |
10 năm thực hiện luật đất đai 2003 cho thấy: Những công trình mà người dân mất đất chịu nhiều thiệt thòi nhất lại thường là những công trình do nhà nước đứng ra thu hồi đất. Có thực tế, đất đai mặc dù ở cùng một khu vực nhưng có thể được các địa phương định giá đền bù quá chênh lệch.
Bên cạnh đó, người dân trong cùng một địa phương, nhưng nếu nhà nước thu hồi đất thì giá đền bù có thể thấp hơn nhiều so với việc được chủ đầu tư tự thỏa thuận. Thậm chí trong cùng một dự án, ở cùng một địa phương, nhưng vẫn lại có thể có sự chênh lệch về giá đền bù khác nhau do sự khác biệt về thời điểm thu hồi đất và cách vận dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều địa phương lập luận rằng họ áp dụng hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng ở mức tối thiểu so với khung của nhà nước là để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên theo tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhịêm Văn phóng Quốc hội, đó là một cách nhìn phiến diện, không giúp gì cho phát triển.
Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), kinh nghiệm 10 năm thực hiện luật đất đai 2003, đã cho thấy, những bức xúc và khiếu kiện của người dân sẽ chỉ có thể giảm bớt nếu mối quan hệ giữa họ với bên thu hồi đất là nhà nước trở nên bình đẳng hơn. Không còn cách nào khác, giá đất cần phải cố gắng tối đa để tiệm cận với giá thị trường và muốn như vậy giá đền bù đất cần được hoạch định bởi những tổ chức thị trường, độc lập.
Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban thường vụ Quốc Hội bàn về dự thảo luật đất đai 2013, ý kiến của nhiều cơ quan hành pháp cho rằng cần phải duy trì một giá đền bù thống nhất và ổn định để tránh tâm lý so sánh, đòi hỏi và mặc cả của người dân. Tuy nhiên, theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, việc đền bù đất cho người dân đúng với giá thị trường đã được quy định trong hiến pháp và là việc phải thực hiện. Ông Huỳnh cho rằng tăng giá đền bù đất cho người dân không những không làm cản trở mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa mà trái lại còn giúp nhà nước tìm được những quyết định đầu tư hợp lý nhất tránh được lãng phí.
Một mức giá được cho là “sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường” của luật đất đai 2003 đã chứng tỏ nó không hề sát với giá thị trường và nhiều trường hợp đẩy phần thiệt thòi cho người bị thu hồi đất. Nay, dự thảo luật đất đai 2013 tiếp tục đề xuất nhà nước sẽ đền bù giá đất “phù hợp với giá thị trường”. Sát hay phù hợp suy cho cùng vẫn chỉ là những từ ngữ nằm trong văn bản luật, quan trọng hơn nó sẽ phải được cụ thể hóa như thế nào.
Việc sửa đổi luật đất đai đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận chính vì vậy, Dự thảo Luật đất đai 2013 vừa được Chính phủ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ngay lập tức nhận được những ý kiến nhiều chiều.
Theo VTV