Theo ông Doanh, những chính sách này được triển khai đã mang lại hiệu quả với một đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay, đã huy động được 21 đồng vốn xã hội, trong đó huy động từ tổ chức tín dụng là 13 đồng, huy động trong dân là 8 đồng.
Nông dân nâng cao thu nhập
Nhờ tận dụng chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi nông dân TP.HCM đã phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ảnh: T.P
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định, từng thời kỳ, thành phố có các chính sách phù hợp để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, như: Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; chính sách hỗ trợ ban đầu cho HTX mới thành lập; hỗ trợ cán bộ có trình độ về làm việc tại HTX... Từ đó đã xuất hiện những cách làm hay, mô hình tốt đang thực hiện có hiệu quả, đặc biệt các mô hình về phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã được phổ biến, nhân rộng. |
Văn phòng Điều phối NTM TP.HCM cho biết, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của thành phố được đông đảo người dân tham gia thực hiện có hiệu quả. Lũy tiến từ năm 2010 đến nay cho thấy 5 huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ đã phê duyệt 25.740 lượt tổ chức, hộ dân, cá nhân vay vốn có hỗ trợ lãi vay để phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng vốn vay gần 7.751 tỷ đồng.
Bình quân vốn đầu tư/phương án năm 2010 là 321 triệu đồng đã nâng lên 1,51 tỷ đồng năm 2019. Tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ lãi vay từ ngân sách đối với các phương án được duyệt tại 5 huyện hơn 604 tỷ đồng.
Việc triển khai thực hiện chính sách đã góp phần giải quyết, tạo việc làm làm cho hơn 60.300 lao động. Đồng thời xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị có hiệu quả kinh tế cao.
Đánh giá chung kết quả thực hiện các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng nhận định, tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn gặp nhiều thuận lợi.
Người dân được hỗ trợ tạo điều kiện đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập trên địa bàn. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Mô hình trồng hoa lan, hoa xương rồng, rau thủy canh, hoa kiểng, bon sai... Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2019 hơn 67 triệu đồng/người/năm.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết, đến nay sau 10 năm xây dựng NTM, trên địa bàn huyện Củ Chi đã có nhiều thay đổi tích cực, đó là do huyện đẩy mạnh các chính sách khuyến khích phát triển, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.
Cụ thể, giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2009 - 2019 tăng bình quân 8,24%/năm. Nông sản trên địa bàn huyện có quy mô lớn về số lượng với tổng đàn heo trên 139.000 con; tổng đàn bò khoảng 100.000 con, trong đó khoảng 60.000 con bò sữa; 598ha hoa kiểng (trong đó 167ha hoa lan); 1.642ha canh tác rau các loại; 260ha nuôi trồng thủy sản (trong đó có 18ha nuôi cá cảnh và 20ha sản xuất cá giống).
Ông Phạm Điền Trang (Bình Chánh, TP.HCM) đang chăm sóc cá kiểng.
Sản lượng nông sản cung cấp hàng năm khoảng 208.000 tấn rau; 8.000 tấn thủy sản các loại; 110.000 tấn sữa bò tươi và 35.000 tấn thịt các loại; 22,4 triệu cành lan mỗi năm. Doanh thu bình quân trên 1ha đất nông nghiệp năm 2018 đạt 500 triệu đồng/ha/năm... Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 hơn 60 triệu đồng/người/năm.
Đồng bộ chính sách hỗ trợ
Ban chỉ đạo của Thành ủy thành phố về Chương trình xây dựng NTM cho biết, cùng với nhiều chính sách khác, chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp thành phố. Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các HTX, thành phố đã có các chính sách hỗ trợ phát triển như: Đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ thu hút cán bộ có trình độ về làm việc tại HTX, hỗ trợ vốn tín dụng cho HTX...
Thông qua việc triển khai các chương trình, đề án trọng điểm về phát triển nông nghiệp, trong đó ưu tiên lựa chọn đối tượng tham gia là các HTX nông nghiệp và thành viên HTX để hỗ trợ ứng dụng, đổi mới nâng cao trình độ khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho HTX.
Ngoài ra, thông qua công tác tuyên truyền, tư vấn vận động thành lập HTX, đã từng bước tăng số lượng HTX. Tính đến tháng 9/2019, trên địa bàn 56 xã xây dựng NTM đã có 76 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 1.370 thành viên, bình quân 18 thành viên/HTX.
Theo ông Thái Quốc Dân – Phó Chánh văn phòng điều phối NTM TP.HCM, thành phố đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ giảm nghèo, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên trong cuộc sống, biết vận dụng, nắm bắt các cơ hội từ chính sách, giải pháp hỗ trợ của chương trình vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả hơn. Đây là yếu tố quyết định trong việc giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn