Với ông, nông dân và nông nghiệp là chiến sĩ và chiến trường trong chiến tranh; là nơi cung cấp tài nguyên trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; là nơi mở ra đột phá khẩu khi tiến hành đổi mới; là nền tảng để tiến hành công nghiệp hóa; là đệm đỡ và phao cứu sinh cho đất nước...
Câu chuyện của ông với phóng viên dưới đây sẽ cho độc giả thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh nông nghiệp Việt Nam và lối đi sáng sủa nào dành cho nó. Ông nói:
TS Đặng Kim Sơn - Tranh: Hoàng Tường |
Sau khi ruộng vườn được chia trong cải cách ruộng đất thì lại gom vào hợp tác xã, họ buộc phải đóng góp sản phẩm mình làm ra bằng giá thấp để nuôi sống công nghiệp và đô thị, nhưng bản thân người nông dân không được hưởng tem phiếu bao cấp, không biết sữa là gì, đường là gì.
Đến khi bắt đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo cơ chế thị trường, người ta lại ngạc nhiên hỏi “Tại sao Việt Nam cơ sở hạ tầng thấp kém, trình độ quản lý cũng kém, trình độ tay nghề công nhân thấp... mà vẫn thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài?”.
Đó là tại nông dân Việt Nam làm ăn giỏi, nông nghiệp Việt Nam phát triển rất tốt, đói nghèo giảm nhanh nên môi trường chính trị - xã hội ổn định, trong khi thế giới có nhiều biến động phức tạp.
Nông nghiệp sản xuất ra nhiều nên lao động dôi ra sung vào thị trường lao động, giá lương thực rẻ kéo theo giá nhân công rẻ.Bên cạnh đó, “giá môi trường” cũng rất rẻ, công nghiệp có thể xả chất thải, dễ dàng khai thác khoáng sản ở nông thôn, có thể lấy đất, lấy nước một cách rất rẻ từ nông nghiệp.
Nhờ những sự hy sinh to lớn ấy của người nông dân và khu vực nông thôn mà ngay cả những giai đoạn có nhiều nước trên thế giới và trong khu vực rơi vào khủng hoảng thì Việt Nam vẫn đỡ khó khăn hơn nhiều.
Tại sao? Vì nông sản vẫn rẻ, giá cả thấp thì giữ cho lạm phát thấp. Trong khi các mặt hàng khác nhập siêu thì nông sản liên tục xuất siêu. Lúc đô thị thiếu việc làm thì lao động tạm quay về làm nông. Như vậy khi gặp gian khó, nông nghiệp luôn là áo giáp, hay như cái phao cứu sinh cứu giúp cho đất nước...
* Với những nhận xét như thế và những gì đang diễn ra, ông cho rằng chúng ta đang đối xử thiếu công bằng với người nông dân?
- Dù có vai trò tốt đẹp như thế, nhưng nông nghiệp, nông thôn lại bị đối xử không công bằng. Hầu như chưa bao giờ người ta thực sự đầu tư mạnh cho nông nghiệp cả.Suốt quá trình công nghiệp hóa, vốn chảy vào đô thị, vào công nghiệp là chính.
Đầu tư Nhà nước cho nông nghiệp vào loại thấp so với các nước trên thế giới đã đành, đầu tư cả xã hội đều thế. Ngay người nông dân có tiền cũng chỉ đem xây nhà, mua xe hoặc mang tiền ra đô thị chứ ít ai đầu tư vào sản xuất.
Người ta không đầu tư vào nông nghiệp bởi chúng ta không tạo cho nông thôn một địa bàn đầu tư hấp dẫn, thiếu cơ sở hạ tầng, dịch vụ chất lượng thấp… Vì vậy, thiệt thòi thứ nhất là không được đầu tư.
Thứ hai, quá trình phát triển công nghiệp và đô thị không mở đường cho nông nghiệp đi lên. Công nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại, tự động thì ngày càng dùng ít lao động. Kinh tế đô thị cũng không mở đường cho nông thôn.
Có rất nhiều cấm cản với các nghề đơn giản: cấm bán hàng rong, xe xích lô, xe tải tự chế, xe gia súc kéo, bán báo dạo,... Trong khi đó nhiều tiêu cực từ đô thị đem về nông thôn thì không gặp sự cấm cản nào.
Đa số lao động từ nông thôn ra thành thị để sung vào “thị trường lao động không chính thức”: xe ôm, cửu vạn, ôsin... họ không được đóng thuế, không được ký hợp đồng lao động. Họ là đám người đông đảo mà vô hình. Đó là bất công thứ hai: thiếu cơ hội phát triển công bằng với nông thôn, đặc biệt là những người nông dân.
Thứ ba, nông thôn tiếp tục bị lấy đi những tài nguyên sống còn để phát triển và sinh tồn: nước dùng, đất đai, gỗ rừng, động vật hoang dã, lao động,...
Thậm chí bị lấy cả tiền thông qua tình trạng “cánh kéo giá” (giá nông sản rẻ hơn vật tư đầu vào và dịch vụ, hàng hóa công nghiệp) diễn ra một cách âm thầm suốt hàng chục năm. Trong khi đó, bị đô thị đổ về rác rưởi, chất thải, các khu công nghiệp ô nhiễm, nghĩa trang, những giá trị văn hóa tồi tệ, hàng hóa giả...
* Nhưng tôi nghĩ, 70% dân số sống ở nông thôn - đó chỉ là con số trên thống kê theo hộ khẩu, còn thực tế, phần lớn người di cư đến các thành phố, thưa ông?
- Lao động thì di chuyển nhiều ra đô thị, nhưng họ không còn ở nông thôn mà cũng không phải là người “được ở” đô thị. Họ chỉ được coi là nguồn lao động cực kỳ quan trọng của cả nền kinh tế nhưng chưa hề được đối xử như những con người đáng kính trọng theo nghĩa xã hội.
Chưa có lời giải cho việc định cư, hòa nhập cuộc sống tương lai cho họ và gia đình họ với xã hội hiện đại. Vì thế, nói về cư dân thì người nông thôn di cư nhiều giữa các địa phương hơn là ra đô thị. Còn ở lại trong nông thôn thì kết cấu xã hội méo mó - về giới tính, tuổi tác, ngành nghề, trình độ…
* Theo ông, cách quản lý của chúng ta bị tách rời... đó có phải là nguyên nhân chính gây thiệt thòi cho người nông dân không?
- Chuyện đầu tiên nói đã nhiều là thiếu vắng một lý thuyết và chiến lược phát triển để vừa đảm bảo định hướng tăng trưởng chung của đất nước mà vẫn hài hòa giữa các ngành kinh tế, các đối tượng xã hội với nhau.
Một chiến lược có thể cho phép một bộ phận đi trước: đô thị, công nghiệp gắn với quốc tế, gắn với hiện đại, trở thành khối kinh tế năng động, còn bỏ lại sau một khối lượng lớn nông dân nông thôn bị thiệt hại và chịu bất công thì đó là một chiến lược có thể đúng một vài thế kỷ trước đây, còn hôm nay mà áp dụng thì nguy hiểm. Thất bại ở nhiều nước đi trước ở Nam Á, Trung Đông, châu Phi… là những tấm gương điển hình.
Vừa qua, nhiều địa phương nói đến công nghiệp hóa là nghĩ về các “khu công nghiệp” (KCN). Vậy KCN là gì? Là một vùng quy hoạch, sau khi đã đuổi hết dân đi, xây tường rào lên rồi thì kêu gọi mọi loại đầu tư mang tính chất công nghiệp, miễn là trả tiền thuê.
Ngay trong KCN ấy, các ngành cũng chẳng ăn nhập gì với nhau; giữa KCN với nền kinh tế và cuộc sống xã hội bên ngoài tường rào chẳng gắn bó “vững bền” gì với nhau.
Do vậy, ở các tỉnh có KCN phát triển nhất thì nông thôn vẫn cách biệt. Năng suất lao động ở nông thôn vẫn thế, tỷ lệ người sống ở nông thôn vẫn thế. Về nông nghiệp không có gì khác hơn các tỉnh khác. Ở các KCN ấy không chế tạo ra máy móc, vật tư, phân bón phục vụ nông nghiệp, không chế biến nông sản cho nông dân.
Định hướng đã không đúng, hành xử lại không gắn bó, chưa nói là còn mâu thuẫn với nhau, ví dụ: thủy điện làm hại nông nghiệp ở hạ nguồn, nhà máy xả chất thải hủy diệt tài nguyên thủy sản, khai thác khoáng sản phá hỏng hệ thống đường giao thông... Những thiệt hại của chiến lược công nghiệp sai lầm đang cản trở ngành nông nghiệp phát triển một cách bền vững.
Nói là chưa có một chiến lược phát triển tốt thì có thể nhiều người tự ái, nhưng một đất nước đi vào giai đoạn quyết định của công nghiệp hóa mà hỏi rằng “Lấy mũi nhọn công nghiệp, dịch vụ gì làm chính” thì khó có câu trả lời rõ ràng. Xe hơi hay đóng tàu, điện tử hay may mặc...?
Mỗi năm hơn chục triệu lao động từ nông thôn ra, lấy gì tạo cho họ việc làm chính thức và thu nhập ổn định? Cư dân nông thôn từ 70% dân số sẽ rút xuống còn 5 - 10% vài mươi năm tới thì đa số sẽ sống ở đâu, sinh kế như thế nào?... Những câu hỏi lớn như vậy chưa có câu trả lời thuyết phục. Bây giờ là lúc tính đến việc xác định lại mô hình tăng trưởng, là lúc “tái cơ cấu nền kinh tế”, phải trả lời những câu hỏi này.
* Tất cả những khó khăn, yếu kém, bất công đối với ngành nông nghiệp ấy, hẳn là Viện của ông cũng đã có ý kiến lên các cơ quan có trách nhiệm?
- Việc định hướng không rõ và tổ chức thực hiện kém đã được bàn bạc nhiều, ai cũng thấy, nhất là những người phải chịu trách nhiệm quản lý và lãnh đạo.
Trong nhiều văn kiện của Đảng cũng nói là lý luận của chúng ta chưa ổn, chỉ đạo thực hiện kém. Ý kiến đóng góp của toàn Đảng, toàn dân cũng rất sôi nổi.
Bản thân Viện tôi là một cơ quan nghiên cứu tham mưu, đương nhiên là chúng tôi cũng tham gia đề xuất. Tôi thấy mọi người đều muốn biết tình hình, biết lắng nghe và chắc chắn mọi người đều có nhiều thông tin.
* “Mọi người biết cả”, vậy tại sao chúng ta vẫn loay hoay biết bao năm rồi?
Thứ hai là các yếu kém về thể chế, tổ chức mà có người đã đề cập đến như “lỗi hệ thống” khiến cho bộ máy công quyền tuy cồng kềnh mà kém hiệu quả, tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “ông nói gà bà nói vịt” khá phổ biến. Do đó sự phối hợp liên ngành, liên vùng để làm các vấn đề rộng, vấn đề chung rất khó.
Thứ ba là các cơ quan, cá nhân thiếu động lực thiết thực để thống nhất xây dựng lý luận, chiến lược chung.
Xã hội luôn có các nhóm lợi ích khác nhau: người tiêu dùng - người sản xuất, người đô thị - nông dân, công nghiệp - nông nghiệp, xuất khẩu - nhập khẩu, quy mô lớn - sản xuất nhỏ,… và nhóm nào cũng muốn chính quyền có chính sách có lợi cho nhóm mình.
Nếu tổ chức nhà nước yếu thì các quan hệ thị trường mạnh sẽ đan xen vào hoạt động quản lý và làm cho chiến lược, chính sách không thể hiện lợi ích chung toàn xã hội.
* Trước khi làm ở Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ông công tác ở đâu?
- Lang thang nhiều nơi lắm. Chủ yếu là Nam bộ.
* Nhưng tất cả đều gắn bó với nông nghiệp?
- Năm 1976 tôi ra trường, vào làm quy hoạch nông nghiệp ở miền Nam khi nước nhà mới thống nhất. Sau đó làm quy hoạch cho các vùng khai hoang, kinh tế mới. Rồi làm phó giám đốc một nông trường của thanh niên, lần này trực tiếp đi khai hoang. Tự mình chịu đựng thất bại của công cuộc khai hoang rồi xin về Viện Nghiên cứu Nông nghiệp ở Cần Thơ để tìm tòi nguyên nhân tại sao.
Khi biết được giải pháp đúng thì may mắn được đoàn chuyên gia Hà Lan mời đi làm quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long. Càng làm sâu rộng hơn, càng thấy dốt nên xin đi học kinh tế ở Mỹ và ngộ ra rằng câu chuyện nông nghiệp không hoàn toàn là kỹ thuật mà còn là chiến lược, chính sách.
Năm 2007 được gọi về Hà Nội làm vụ phó ở vụ Chính sách nông nghiệp rồi làm giám đốc trung tâm Thông tin nông nghiệp, tìm hiểu thị trường, giá cả nông sản trước khi về Viện Chính sách, chiến lược.
* Thưa, trong cả quá trình công tác như thế, ông có thấy chính sách cho nông nghiệp tiến bộ nhiều không?
Không mạnh như mình mong muốn và chưa xứng với tầm vóc nông nghiệp Việt Nam, nhưng nói thế này thì chính xác hơn, so với các mảng chính sách chuyên ngành khác thì chính sách nông nghiệp tốt hơn rất nhiều.
Tôi cho là, trong điều kiện rất hạn hẹp về ngân sách và chính sách vĩ mô dành cho nông nghiệp thì những chủ trương, giải pháp mà các nhà quản lý ngành nông nghiệp đa ban hành thời gian qua là khá tốt. Trong hoàn cảnh nguồn lực xã hội không được huy động vào nông thôn, các chính sách nông nghiệp đa huy động được sức mạnh của nông dân thúc đẩy sản xuất.
Hàng chục năm ít được hỗ trợ, khó tiếp cận cơ hội, đối xử thiếu công bằng nhưng người nông dân vẫn làm việc hăng hái và sáng tạo. Nông nghiệp Việt Nam phát triển vào loại tốt nhất trong khu vực, chủ yếu dựa vào năng lực của nông dân.
* Liệu như thế có mâu thuẫn không khi có những chính sách tốt như thế, nhưng người nông dân vẫn bị chịu thiệt thòi và không được quan tâm đầu tư nhiều?
Những chính sách đúng thời gian qua tạo ra động lực cho người nông dân huy động tài nguyên và nội lực, sản xuất nhiều hàng cạnh tranh thành công bằng giá rẻ. Đây là một kỳ tích về chính sách mà nhiều nước đang phát triển mong muốn.
Nhiều chuyên gia chính sách quốc tế nổi tiếng đa đánh giá cao chính sách nông nghiệp của Việt Nam. Nhưng hệ thống giải pháp này chưa đủ để tạo ra cái áo giáp giúp nông dân chống lại những rủi ro và bất công từ bên ngoài, chưa đủ để tạo nên bệ phóng cho nông sản Việt Nam lên đến tầm chất lượng cao và vững bền.
Cho nên chính sách khuyến khích được người nông dân, nhưng họ phải trả giá rất đắt và vẫn đi lên với một tương lai chưa được rõ ràng. Tôi tự nhận thấy chính sách ngành nông nghiệp mới làm được một phần nhỏ sức lực mà nó có thể đem lại và nông dân mới phát huy được phần còn nhỏ hơn thực lực của chính họ. Nông dân Việt Nam đáng được hưởng những chiến lược và chính sách tuyệt vời hơn.
* Nếu có quyền, ông có chiến lược cụ thể nào để cho nông dân và nông nghiệp phát triển một cách bền vững?
Tôi nghĩ một người nông dân giỏi không khác gì một người thợ bậc cao, một nhà quản lý và kinh doanh. Những người nông dân như thế liên kết với nhau thành hợp tác xã hay hiệp hội nông dân và họ tự quyết định cuộc sống của mình.
Cần kỹ thuật gì, mua kỹ thuật đó hoặc đặt hàng các nhà nghiên cứu. Họ quản lý vật tư, chất lượng nông sản của họ, kiểm soát lẫn nhau trong tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo vệ sinh an toàn cho nông sản...
Người nông dân có tổ chức, được đào tạo và sản xuất lớn là vấn đề quan trọng nhất, then chốt nhất của nông nghiệp Việt Nam. Bộ máy nhà nước lúc đó rất nhỏ thôi, Bộ Nông nghiệp chỉ làm chính sách, chiến lược quy hoạch..., tạo khung pháp lý, hỗ trợ nông dân, doanh nhân. Ngay cả dịch vụ công như khuyến nông, thú y... cũng có thể xã hội hóa và trao quyền cho nông dân quản lý.
Điều quan trọng thứ hai, nếu đồng ý nông nghiệp là thế mạnh duy nhất, rõ nhất của Việt Nam trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa thì toàn nền kinh tế phải phát triển lên cùng nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm trọng tâm.
Ví dụ công nghiệp cơ khí phải sản xuất xe tải nông thôn, máy gặt đập, tàu đánh cá,… Rồi từ đó, phát triển ở trình độ cao hơn nữa. Công nghiệp chế biến nông sản phải được tập trung ưu tiên thu hút đầu tư, hình thành các cụm công nghiệp chế biến ở mọi vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp như lúa gạo, thủy sản, cà phê, cao su,…
Những thành phố như Cần Thơ phải là trung tâm nghiên cứu và đào tạo cho nông nghiệp hiện đại như thung lũng Silicon làm đầu não cho công nghiệp điện tử ở Mỹ. Thế giới bây giờ và tương lai cần rất nhiều thực phẩm sạch, ngon, bổ, văn minh có nhu cầu vô tận để làm đẹp, tốt cho sức khỏe, môi trường...
Như vậy, tôi hình dung bức tranh kinh tế của Việt Nam sẽ khác hẳn: một nền kinh tế lấy nông nghiệp làm mũi đột phá. Bộ trưởng Cao Đức Phát từng hỏi: tại sao Việt Nam không là khu vườn, là nhà bếp,… của thế giới?
* Lúc trước ông có nói một trong những chính sách mà các ông đa kiến nghị là trao quyền tự chủ cho nông dân. Nhưng như thế liệu có rơi vào tình trạng sản xuất chỉ theo phong trào, không có kế hoạch, thưa ông?
- Trái lại, tình trạng không giao quyền cho người nông dân như hiện nay mới dẫn đến vòng luẩn quẩn “trồng cây nọ, chặt cây kia”.
Trao quyền cho người nông dân không chỉ dừng ở việc giao cho mảnh đất và mở cửa thị trường. Giao quyền là hỗ trợ cho họ tập hợp lại và cùng với doanh nhân tổ chức thành hiệp hội.
Tổ chức ngành nghề ấy sẽ tự nghiên cứu thị trường, quyết định xem nên trồng cây gì và nuôi con gì. Họ có thể thuê chuyên gia, thành lập viện nghiên cứu, viện này lúc đó có thể không phải của Nhà nước dù được Nhà nước hỗ trợ mạnh.
Nếu có viện của hiệp hội sản xuất và kinh doanh cà phê thì suốt ngày cán bộ chỉ đi nghiên cứu về giá cả, thị trường, kỹ thuật trồng... cà phê. Nông dân trích tiền xuất khẩu trả lương cho họ. Nếu nghiên cứu không tốt, dự báo thị trường sai thì không thuê nữa. Khi bản thân hiệp hội ngành nghề tham gia làm, quản lý quy hoạch thì chắc chắn không còn chuyện sản xuất thừa, tự kéo nhau giảm giá nữa.
Các cán bộ nghiên cứu, khuyến nông viên khi ấy sẽ có thái độ phục vụ khách hàng, phục vụ chủ nhân, chứ không phải như hiện nay chỉ lo làm công ăn lương và làm đề tài nộp cho các “hội đồng khoa học” cũng là các quan chức nhà nước.
Đó mới là sự trao quyền. Ai là người kiện cá tra của Việt Nam? Hiệp hội sản xuất cá da trơn Mỹ chứ có phải là chính phủ Mỹ đâu? Nông dân ở Đài Loan quản lý hết tất cả các chuyện từ khuyến nông sang đến nghiên cứu khoa học.
Ngân hàng nông nghiệp, công ty phân bón là họ quản lý... làm gì có phân giả, giống giả, làm gì có chuyện lãi suất cao? Làm gì có nợ xấu chảy vào bất động sản? Trong cơ chế thị trường, xác định vai trò của người chủ thực sự là vô cùng quan trọng.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn