Những giải pháp dài hơi để nâng cao giá trị và thương hiệu cao su Việt Nam là vấn đề được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Đó là quy hoạch lại, tạm dừng trồng mới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ góp phần giúp cao su Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tạm dừng trồng mới
Trước dự báo, thị trường cao su thế giới sẽ tiếp tục dư thừa trong 2 năm tới, tại hội nghị sản xuất cao su năm 2014 vừa qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển ngành cao su bền vững, không chạy theo diện tích.
Tạm dừng không mở rộng diện tích trồng cao su ở các tỉnh Tây Bắc và vùng Đông Bắc. Ảnh: Cao nguyên
Theo đó, ngành cao su sẽ tập trung cải thiện khâu trồng trọt để năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn; đồng thời tăng tiêu thụ nguyên liệu cao su trong nước cho lĩnh vực chế biến sâu, giảm lệ thuộc xuất khẩu nguyên liệu thô.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Cục Trồng trọt phối hợp với Tập đoàn VRG, Sở NN&PTNT các tỉnh hướng dẫn kỹ thuật khai thác vườn cây cao su phù hợp với thị trường. Để bảo đảm diện tích cao su theo đúng quy hoạch đề ra, Cục Trồng trọt đã yêu cầu các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ, những diện tích trồng ngoài quy hoạch có nguy cơ gãy đổ do gió bão không trồng tiếp cao su sau khi đã hết chu kì kinh doanh; diện tích bị ảnh hưởng nặng do bão cần thanh lý trồng lại hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác. Đối với vùng miền núi phía Bắc, tạm dừng không tiếp tục mở rộng diện tích ở vùng đã quy hoạch như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; đồng thời không chủ trương trồng tiếp cao su ở các tỉnh vùng Đông Bắc.
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng
Trong giai đoạn giá thấp hiện nay, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, người trồng cao su cần đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập từ vườn cao su bằng xen canh, chăn nuôi kết hợp... Ngành cao su Việt Nam và doanh nghiệp cần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên đáp ứng thị trường, bảo đảm chất lượng, uy tín, xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế. Đồng thời, tăng tiêu thụ nguyên liệu cao su trong nước cho lĩnh vực chế biến sâu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện môi trường, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô để hướng đến phát triển bền vững.
Hiện cả nước có khoảng 29 tỉnh, thành trồng cao su. Trong đó, có 11 tỉnh có diện tích cao su vượt so với định hướng quy hoạch khoảng 162.000 ha, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Đông Nam Bộ như: Bình Phước vượt 82.000 ha, Tây Ninh vượt 33.200 ha, Bình Thuận vượt 10.800 ha, Bình Dương vượt 7.300 ha… Đặc biệt, có 9 tỉnh chưa nằm trong quy hoạch gồm: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Long An, nhưng vẫn có trên 13.000 ha cao su.
Hiện nay Tập đoàn VRG đã tăng cường phát triển thêm các sản phẩm liên quan đến cây cao su như chế biến gỗ và công nghiệp cao su. Đã có những kết quả bước đầu và thời gian tới sẽ khai thác tối đa hiệu quả từ cây cao su, giảm xuất khẩu sản phẩm thô, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu. Theo ông Trần Ngọc Thuận, ngành công nghiệp cao su cần được đẩy mạnh đầu tư và tập trung vào các sản phẩm nhúng như găng tay, chỉ sợi, nệm... là các sản phẩm có lợi thế về nguồn nguyên liệu và có sức cung cao ở thị trường thế giới.
Trong 5 năm gần đây (từ 2008 đến 2013), các sản phẩm cao su Việt Nam đã được đa dạng hóa như xăm lốp, đế giày, băng tải, cao su y tế, nệm cao su... Giá trị xuất khẩu tăng bình quân 37,2%/năm, đạt 1 tỷ USD trong năm 2013 (tăng 20% so với cùng kì năm trước) và đạt 35,3% so với xuất khẩu cao su thiên nhiên. Riêng săm, lốp ô tô là sản phẩm Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh với các công ty đa quốc gia, ông Thuận cho biết VRG sẽ tiếp tục tìm đối tác để liên doanh, kêu gọi đầu tư tại Việt Nam qua việc VRG cam kết cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cây cao su là cây có thời gian kiến thiết cơ bản khá dài (7năm), trong khi thời gian vay vốn chậm. Do vậy, cần có cơ chế và chính sách phù hợp cho nông dân được vay vốn đầu tư trong thời gian kiến thiết cơ bản và 3 năm đầu khai thác để người dân yên tâm sản xuất; đồng thời cần nghiên cứu thí điểm bảo hiểm cho ngành cao su.
Để bảo đảm duy trì và phát triển bền vững diện tích cao su theo quy hoạch, theo ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước kiến nghị, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Tập đoàn VRG sớm trình Chính phủ thành lập quỹ bình ổn giá để xử lý các tình huống bất lợi khi có biến động giảm về giá thu mua.
Để cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu, ngành cao su đang nỗ lực bảo đảm mục tiêu: Giảm giá thành, có cơ cấu sản phẩm phù hợp và bảo đảm chất lượng. Trong đó, việc giảm giá thành được xác định là phải thực hiện chủ yếu ở các vườn cây khai thác (chiếm 85% giá thành). Ở khâu khai thác chỉ có thể giảm chi phí lao động thông qua việc tăng năng suất lao động. Hiện nay, để nâng cao chất lượng mủ xuất khẩu,144 nhà máy chế biến mủ cao su thuộc VRG đã được chuẩn hóa công nghệ và quy trình chế biến, từ khâu chế biến đến kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đăng ký, trong đó có cả các tiêu chuẩn về môi trường, lao động. Việc bảo đảm chất lượng sản phẩm bao gồm cả chế biến cho cao su tiểu điền với mức trên 100.000 tấn vào năm 2015 và duy trì tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm của VRG đặt ra đang được coi là giải pháp bảo đảm tính ổn định chất lượng của cao su Việt Nam.
Phát triển diện tích không theo quy hoạch:
Trong giai đoạn 2009 - 2013, giá xuất khẩu cao su ở mức cao nhất kể từ năm 1961 đã khiến nhiều người đổ xô trồng mới cao su. Chỉ trong giai đoạn này, diện tích cao su cả nước đã tăng thêm 375.000 ha. Trong 10 năm qua, diện tích cao su của Việt Nam đã tăng gần gấp 2 lần, từ 454.000 ha năm 2004 đã tăng lên trên 955.000 ha vào năm 2013. So với Quyết định 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, diện tích cao su đã vượt khoảng trên 115.000 ha. Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt
Công tác giám sát, quản lý quy hoạch chưa được tốt:
Mặc dù Bình Phước là địa phương có khí hậu, đất đai rất phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây cao su nhưng do việc tăng diện tích trong những năm gần đây, công tác giám sát, quản lý quy hoạch chưa được tốt nên nhiều diện tích trồng mới không phù hợp cho cây cao su sinh trưởng. Hiện Bình Phước có khoảng 2.600 ha cao su đang được trồng trên những vùng đất không thích nghi về độ dốc, nhóm đất, mực nước ngầm, tầng mặt đất… Ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước
Gần 400 ha cao su bị người dân chặt bỏ:
Tính đến đầu tháng 8/2014, tại Đắk Nông, người dân đã chặt bỏ 359,39 ha cao su để chuyển sang trồng cây trồng khác. Lý do là gần đây giá cao su trên thị trường giảm thấp, người trồng cao su bị lỗ nặng, và một số vườn cao su lâu năm do trồng giống không bảo đảm, lượng mủ thấp. Nhiều người dân đã ồ ạt chặt bỏ cây cao su, chủ yếu là cao su tiểu điền, chuyển sang trồng các loại cây khác như cây tiêu, cà phê, chanh dây. Ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông
Liên Phương - Hứa Chung/ Báo Tin Tức