Chiều 4/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Chồng chéo, thiếu sự phối hợp
Thực hiện Nghị quyết số 13/2011/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã triển khai 16 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2011-2015. Đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc triển khai các Chương trình đã đạt được nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, văn hóa, giáo dục của nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Tuy nhiên, việc có quá nhiều chương trình mục tiêu quốc gia dẫn tới sự chồng chéo, phân tán trong quản lý. Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cho biết, số lượng chương trình nhiều nhưng số tiền để thực hiện hạn chế, nên việc hỗ trợ mang lại hiệu quả thấp. Một số chương trình ít chú ý tới sự khác biệt ở các địa phương, mang tính “xin cho” dẫn tới việc “chạy” các chương trình.
Đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) cho rằng, nhiều bộ ngành cùng tham gia quản lý khiến một số chương trình trùng lặp, đặc biệt các chương trình đầu tư, mua sắm. Ví dụ hai chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình cùng mua sắm thiết bị, dẫn tới dư thừa gây lãng phí ở một số xã. Một số chương trình đạt hiệu quả thấp.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), nhiều chương trình mang tính hỗ trợ trực tiếp, cho họ “con cá” mà không cho “cần câu” nên khó thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật vì thất thoát, nhiều công trình chất lượng thấp, xuống cấp nhanh, nhiều chương trình bị cắt xén, nguồn hỗ trợ đưa về cho người thân… làm mất lòng tin của người dân, khiến có nhiều đơn thư khiếu nại.
Trong ngày 4/11, Quốc hội cũng đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi); nghe tờ trình về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). |
Do vậy, các đại biểu đều tán thành đề xuất của Chính phủ về việc thu hẹp các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 thành 2 chương trình: Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) lo ngại, trong 63 dự án thành phần của 16 dự án chương trình trước đây, mới loại bỏ 14 dự án thành phần, còn lại sắp xếp lại đầu mối quản lý, nên yêu cầu về nguồn lực còn rất lớn. Trong khi đó, những năm tới được dự đoán khó khăn về vốn, bội chi ngân sách, nợ công tăng, huy động các nguồn lực khác có hiệu quả không cao. Do vậy, cần tính toán lại nguồn lực.
Xác định tiêu chí phù hợp
Hiện nay, mới có 12,6% xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến tới cuối năm 2015 sẽ có 16,8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là các xã có nguồn lực nên việc đạt chỉ tiêu nông thôn mới dễ dàng hơn. Trong giai đoạn 2016 -2020, Việt Nam đặt mục tiêu có 50% số xã đạt nông thôn mới.
Đa số các đại biểu cho rằng, mục tiêu này khó khả thi. Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho biết, những tiêu chí như: giao thông, môi trường, thu nhập… là rất khó đạt, ví dụ xây dựng một cơ sở tái chế rác cũng tới hàng tỷ đồng, xây dựng đường giao thông cũng tốn kém… Do vậy, những xã nghèo nên tập trung nguồn lực để giảm nghèo hơn là thực hiện nông thôn mới, tập trung vốn cho những xã có khả năng về đích sớm. Ngoài ra, phân cấp mạnh cho các địa phương, vì họ biết rõ các xã cần gì, những công trình nào thiết yếu.
Đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) cho rằng, để giảm nghèo bền vững và tránh sự ỷ lại của người dân, chương trình giảm nghèo cần chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp như: cho vay vốn, đào tạo…
Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, cần phân loại hộ nghèo chuẩn, không chỉ tập trung vào nguồn thu nhập, vì nhiều hộ giấu thu nhập. Giảm hỗ trợ bằng tiền, tăng hỗ trợ đào tạo nghề. Thiết kế chương trình có gắn trách nhiệm người tham gia thụ hưởng, rõ ràng, rành mạch trong phân công trách nhiệm.
Theo H.V/baotintuc.vn