Ông Sùng A Chư giới thiệu những nương chè của gia đình mình, thành quả của sự lao động chăm chỉ. (ảnh: Quốc Định)
“Từ năm 1990 trở về trước, cũng như bao người Mông ở đây, cây thuốc phiện được coi là cây trồng chính, trong bản nhà nào cũng trồng, trên nương, ngoài vườn bạt ngàn cây thuốc phiện. Năm nào tôi cũng trồng hơn 1.000m2 thuốc phiện. Ở cái bản Pa Chè ngày đó nhà nào cũng có người nghiện, tôi không ngoại lệ” - ông Chư kể.
Sau này, Nhà nước đưa ra chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, cán bộ xã, cán bộ huyện đến tận nhà bà con bản Mông Pa Chè vận động bà con không tái trồng và hút thuốc phiện. Từ đó, ông Chư cũng bỏ không trồng nữa, nhưng cơn nghiện thì như đã ăn sâu vào máu, vào trong người, muốn dứt bỏ nó thật khó, cơn nghiện hành hạ thân xác không chịu được.
“Năm 1999, tôi quyết tâm cai bằng được, có sự động viên giúp đỡ của gia đình, vợ con, cuối cùng tôi đã cai thành công” - ông Chư nói.
Tin vui đến với bà con người Mông bản Pa Chè, được Nhà nước hỗ trợ cây mận, cây chè và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để bà con phát triển kinh tế. Cơ hội đến, ông Chư bắt tay ngay vào công việc, ông huy động vợ con phát quang cỏ dại cải tạo lại đất, đào từng cái hốc, trồng từng cái cây.
Trong số 4ha đất của gia đình, ông dành 2ha trồng mận, 1ha trồng chè còn lại trồng ngô, lúa để lấy ngắn nuôi dài, vì trồng chè, mận phải 3 - 4 năm mới cho thu hoạch. Đến mùa mận cả nhà ông Chư lại rục rịch chuẩn bị đồ, dụng cụ ra vườn hái mận, giá mận ổn định, có năm ông Chư lãi cả chục triệu, số tiền mà trước đây trong mơ cũng chưa từng nghĩ đến. Còn đối với chè, hái bao nhiêu được Công ty chè Mộc Châu thu mua không phải lo đầu ra.
Nhờ từ bỏ cây thuốc phiện, chăm chỉ lao động sản xuất, ông Chư đã trở thành một trong những hộ khấm khá nhất vùng.
http://danviet.vn/nha-nong/than-phuc-lao-nong-doi-doi-nho-tu-bo-cay-thuoc-phien-999896.html
Theo Quốc Định/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn