Ngày 7.8, tại Hội thảo công bố “Báo cáo đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam - kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh”.
Số liệu này do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, một con số được đưa ra khiến nhiều người lo ngại: Thu nhập của hộ nông dân chỉ đạt gần 50.000 đồng/ngày; 41,5% số hộ không hài lòng về cuộc sống. Nhiều hộ gia đình nông thôn không hài lòng về cuộc sống của mình (chụp ở xã Tùng Bá, Vị Xuyên, Hà Giang).
Trước đó, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cũng công bố số liệu về kết quả điều tra về bức tranh hộ gia đình nông thôn nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình. So với điều tra của Ipsard, cuộc điều tra của CIEM thiên nhiều về đặc điểm của kinh tế hộ gia đình nông thôn. Thu nhập ngày càng giảmBáo cáo từ cuộc điều tra của CIEM cho thấy, thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình ở nông thôn đang giảm dần và tỷ lệ hộ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010 – 2012, tương ứng số hộ tái nghèo tăng lên. Theo đó, thu nhập trung bình của hộ thuần nông chỉ đạt 48.618 đồng/ngày, tức khoảng 1.458.000 đồng/tháng. Điều đáng chú ý là trong số các hộ tham gia điều tra, có tới 50% hộ phải vay nợ, và chủ yếu là vay ngoài với lãi suất cao (số tiền nợ từ vay tư nhân, tín dụng ngân hàng chỉ chiếm hơn 13%). Các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu đang tụt hậu so với các tỉnh khác về thu nhập, tiếp cận dịch vụ thị trường và liên kết thị trường. Nhóm dân tộc thiểu số tiếp tục bị tụt hậu hơn so với các khu vực chủ yếu có người Kinh sinh sống, với mức độ chi tiêu thấp hơn và thu nhập giảm đi.Ông Lưu Đức Khải- Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (CIEM) cho biết: Một chỉ số đặc biệt quan trọng đã được nhóm nghiên cứu khảo sát kỹ, đó là tình trạng không có đất của nông dân. Theo điều tra, có tới 6% số hộ không hề có mảnh đất nông nghiệp nào và tỷ lệ này được duy trì suốt nhiều năm nay. Mức độ nông dân không có đất tại các tỉnh cũng khác nhau, nhiều tỉnh có mức cao đáng lo ngại như Đăk Lăk gần 9%, Long An 9,4%, Đăk Nông 5,8%, đặc biệt là Khánh Hòa, có tới 18,4% số hộ nông dân không có đất canh tác.“Tỷ lệ các hộ không có đất đã gia tăng trong giai đoạn 2010 – 2012, tuy nhiên, khi so sánh tình trạng không có đất và tình trạng kinh tế xã hội, chúng tôi nhận thấy nhóm hộ giàu hơn thường không có đất nông nghiệp, tức là họ đang ngày càng ít phụ thuộc vào nghề nông mà chuyển dần thu nhập sang lĩnh vực phi nông nghiệp” - ông Khải nói.Giáo sư Finn Tarp (Trường Đại học Tổng hợp Copenhagen) phân tích: Người Việt Nam đang giàu hơn, nhưng thu nhập của nông dân đang ngày càng giảm đi, đồng nghĩa với việc họ phải nai lưng ra làm việc và tham gia nhiều công việc khác nhau để vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống. “Đây chính là nguy cơ, vì một khi phải làm nhiều việc, người nông dân sẽ mất đi cơ hội tăng quy mô, kỹ năng để sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, lợi nhuận. Trong khi đó, họ vẫn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là thời tiết, giá cả đầu vào cho sản xuất biến động mạnh, thị trường hoạt động không hoàn hảo, có thể rất tốt với người có thế lực, nhưng khó với người dễ tổn thương” – GS Finn Tarp nói.Giúp nông dân chống đỡTrả lời câu hỏi của phóng viên về việc đời sống người nông dân, ông Khải cho biết: Có thể thấy thu nhập từ nông nghiệp đang ngày càng hạn chế nên việc đảm bảo thu nhập của nông dân là rất khó. Họ không thể sống được bằng nghề nông, nên chuyện nông dân trả ruộng là khó tránh khỏi. Theo ông Khải, trong điều kiện bình quân đất nông nghiệp thấp, trình độ canh tác của nông dân còn nhiều hạn chế như hiện nay thì nông dân không thể làm giàu từ nông nghiệp được. Đó là điều chắc chắn. Ông Lưu Đức Khải- Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn cho rằng, để thay đổi đời sống hộ gia đình nông thôn hiện nay, chúng ta phải có nhiều thay đổi như tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là đề án lớn và được đặt trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Do đó, việc phân bổ các nguồn lực cho ngành nông nghiệp cũng phải gắn với đề án tái cấu trúc nền kinh tế, cùng với đó là tạo điều kiện gắn kết, huy động các tác nhân tham gia vào đề án tái cơ cấu này”. |
“Muốn làm giàu từ nông nghiệp thì phải có sự thay đổi về cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như có sự thay đổi về cấu trúc nông thôn, thay đổi trình độ sản xuất để đảm bảo nông dân có thể sản xuất hàng hóa và kết nối được với thị trường. Khi đó bà con mới làm giàu được” – ông Khải nói.PGS-TS Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện CIEM cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng khả năng chống đỡ rủi ro cho nông dân, đặc biệt là đẩy mạnh áp dụng bảo hiểm nông nghiệp; phát triển thị trường đất đai ở nông thôn, vì nếu người dân có thể mua bán ruộng dễ hơn thì đất sẽ được dùng hiệu quả hơn. Minh Huệ
Theo danviet.vn