Kể từ năm 2016 đến nay, người chăn nuôi lợn trải qua 3 biến cố lớn. Năm 2016, cơn “bão giá” đã đẩy giá lợn hơi xuống mức trên dưới 20.000 đồng/kg. Năm 2017, dịch lở mồm long móng bùng phát khiến hàng vạn hộ chăn nuôi điêu đứng. Còn hiện tại, sự hoành hành ác liệt của DTLCP gây thiệt hại khủng khiếp hơn nhiều.
Khu chợ đầu mối vốn tấp nập người mua kẻ bán giờ đây lại vô cùng đìu hiu, vắng vẻ. (Ảnh: Phạm Trung Hiếu). |
Về Bình Lục, hỏi bất cứ người dân nào về tình hình chăn nuôi thì trăm người như một lắc đầu ngán ngẩm: 3 năm 3 lần khóc lợn chết, đợt dịch này là đám giỗ lợn lớn nhất!
Chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam rộng 12.000m2 với 41 khu chuồng nhốt, được coi là một điểm buôn bán lợn tấp nập bậc nhất, ở xã Bối Cầu, huyện Bình Lục. Chợ phản ánh rõ nét nhất tình hình chăn nuôi. Trái ngược với những ngày bình thường, khi mà mỗi ngày 1.000 – 1.500 con lợn được giao dịch, thì giờ đây, chợ trở nên vắng vẻ, thưa thớt hẳn.
Đã không còn hình ảnh những đoàn xe tải chở hàng nghìn con lợn tỏa đi khắp các tỉnh lân cận, cũng không còn sự náo nhiệt, ồn ào của đám thương lái vẫn chọn lựa, cân lợn, chuyển lợn lên xe tải như hàng ngày. Giờ đây những gì còn sót lại của một khu chợ đã từng sầm uất chỉ là những chiếc xe ba gác chở lợn số lượng đếm trên đầu ngón tay cùng một vài tốp xe máy thương lái đến mua lợn. Chợ lợn ở nơi nuôi lợn lớn nhất miền Bắc lại thành vắng vẻ.
Số lợn được giao dịch tại chợ chỉ còn 300 – 400 con/ngày. (Ảnh: Phạm Trung Hiếu). |
Ông Nguyễn Trường Chinh, Ban quản lý Chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam, nhìn khu chợ với ánh mắt đượm buồn, thở dài thườn thượt: “Khoảng 2 tháng trước, số lợn giao dịch tại chợ mỗi ngày đã bị giảm xuống còn 700 – 800 con. Giờ lại còn ít hơn, chỉ vài ba trăm con một ngày. Mà giá lợn nào đâu có cao, chỉ 30.000 – 31.000/kg. Mới 10 - 11h trưa đã tan chợ, trong khi ngày trước đến tận chiều vẫn còn tấp nập xe ra xe vào, người mua kẻ bán. Nhiều xã lợn chết sạch rồi. Dịch bệnh nên không ai dám nuôi trở lại, lợn trong dân không còn mấy nữa. Càng nghĩ càng thương người nuôi họ khổ quá”.
Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Bình Lục, trên địa bàn huyện đã có 348 hộ chăn nuôi thông báo có DTLCP, số lượng lợn phải tiêu hủy lên đến 4.381 con, tương đương 240.406 kg. Số lượng tổng đàn hiện nay còn khoảng 100.000 con.
Ông Đỗ Thế Trọng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Lục, nêu thống kê: “Ba xã phải tiêu hủy lợn nhiều nhất là Hưng Công (44.998 kg), Bối Cầu (hơn 26.000 kg) và An Nội (hơn 36.000 kg). Mức giá hỗ trợ tiêu hủy 32.000/kg đối với lợn thịt và 48.000/kg đối với lợn nái. Cho đến nay, ước tính thiệt hại mà DTLCP gây ra trên địa bàn huyện khoảng 10 tỷ đồng”.
Lác đác một vài chiếc xe máy của thương lái tại chợ. (Ảnh: Phạm Trung Hiếu). |
Là một trong những xã được xem là vùng chăn nuôi trọng điểm của Bình Lục, xã Bồ Đề đã thông báo xuất hiện DTLCP từ ngày 27/4. Cho đến ngày 1/5 vừa qua, đã có 13 hộ chăn nuôi tại 5/5 thôn trên toàn xã có lợn dương tính với DTLCP, xã Bồ Đề đã phải tiêu hủy 320 con lợn, tương đương trọng lượng 20.590kg.
Trước khi DTLCP xuất hiện, người dân Bình Lục đã phải khốn khổ vì làn sóng tẩy chay thịt lợn đến từ người tiêu dùng. Gia đình ông Trần Đình Nghị, thôn 3 xã Bồ Đề, đã phải cắn răng bán lỗ 200 con, gần nửa đàn lợn của mình để lấy tiền duy trì đàn lợn nhỏ còn lại. Ấy vậy mà hi vọng nhỏ nhoi còn lại của ông cũng bị dập tắt, DTLCP ập đến, ông Nghị phải tiêu hủy 56 con, chỉ còn 175 con vẫn đang cách ly và chưa biết sẽ dính dịch lúc nào. Vay mượn khắp nơi đầu tư chăn nuôi, gia đình người nông dân này chỉ biết trông mong vào đàn lợn. Giờ lợn dính DTLCP, bao trùm ngôi nhà nhỏ của ông bầu không khí vô cùng u uất.
Ông Nghị nói như khóc: “Gia đình tôi đã phải vay mượn ngân hàng, tín dụng, hỏi vay cả anh em, bạn bè để có vốn nuôi đàn lợn này. Lợn thì chỉ còn rất ít mà món nợ còn tận 2,7 tỷ đồng. Nếu số lợn còn lại dính dịch, phải tiêu hủy hết, vợ chồng tôi chỉ còn nước bán nhà trả nợ mà thôi”.
“Nếu số lợn còn lại dính dịch, phải tiêu hủy hết, vợ chồng tôi chỉ còn nước bán nhà trả nợ mà thôi”. (Ảnh: Phạm Trung Hiếu). |
Số tiền mua cám để duy trì đàn lợn còn lại của ông Nghị cũng không hề rẻ. Với 6 bao cám một bữa, 12 bao cám một ngày, người nông dân này phải tốn 3 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi mỗi ngày.
Với cái đà lợn thì không bán được, dịch chỉ chực chờ ập đến, cám vẫn là tiền triệu tính theo ngày, người chăn nuôi lợn ở xã Bồ Đề nói riêng và huyện Bình Lục nói chung đang rơi vào tình trạng điêu đứng, khốn khó vô cùng.
Chuồng lợn “tan hoang” vì DTLCP của ông Nghị. (Ảnh: Phạm Trung Hiếu). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn