Những thử nghiệm tích tụ ruộng đất
Hiện tại, Việt Nam có hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp có diện tích nhỏ hơn 0,5ha/mảnh. Trong khi đó, tại các nước trong khu vực như Thái Lan, đã có 1,4 triệu mảnh ruộng với quy mô hơn 22ha vào năm 2012. Trung Quốc tính đến năm 2013, đã có 8,82% diện tích có quy mô hơn 3ha/mảnh, và 0,1% diện tích có quy mô 30-70ha/mảnh.
Thực tế đã cho thấy, sự manh mún và phân tán ruộng đất đã làm gia tăng chi phí sản xuất, tác động tiêu cực đến lợi nhuận của ngành nông nghiệp Việt Nam, không tạo ra được quy mô sản xuất lớn, gây phức tạp cho quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ông Võ Thành Minh -Phó Chánh văn phòng Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, chia sẻ: “Đất đai manh mún là hạn chế căn bản khiến An Giang khó thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Cơ chế chính sách của trung ương phục vụ cho hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ, gây nhiều bất cập”.
Tuy nhiên, có nhiều địa phương đã đưa ra được những cách làm sáng tạo nhằm thử nghiệm tích tụ ruộng đất cho sản xuất lớn. Ông Ngô Mạnh Ngọc -Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết, chính quyền tỉnh Hà Nam đã đứng ra thuê đất của nông dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại. Người nông dân vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cách làm này đã giúp Hà Nam có được 375,5 ha đất, hình thành 2 khu nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 202,3 ha tại huyện Lý Nhân, giải quyết việc làm cho trên 400 lao động, với mức thu nhập 4 – 6 triệu đồng/tháng.
Tương tự, Hà Nội đã dồn điền, đổi thửa được hơn 78.000ha (đạt 102,8% kế hoạch). Giá trị nông sản đạt khoảng 240 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 6 lần so với trước khi dồn điền, đổi thửa.
Nam Định xuất hiện hàng trăm trang trại với hơn 2.300ha đất sử dụng tập trung, tạo việc làm ổn định cho 3.300 lao động, giá trị hàng hóa nông sản ước đạt hơn 930 tỷ đồng.
Tại Nghệ An đã có hơn 720 mô hình sản xuất hiệu quả và 62 mô hình cánh đồng lớn, gần 358.000 hộ gia đình tham gia dồn điền, 91.000ha đất nông nghiệp đủ điều kiện sản xuất tập trung.
IPSARD và 5 điều kiến nghị
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn -Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn- IPSARD, để có một thể chế đất đai về nông nghiệp, trước tiên cần bắt đầu từ thay đổi quan điểm về quyền sử dụng đất.
Có rất nhiều việc cần làm để thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp phát triển. Nhóm nghiên cứu của IPSARD đã đưa ra 5 kiến nghị chính nhằm xử lý những vướng mắc về cơ chế, giúp thị trường đất nông nghiệp phát triển.
Một là, trong định giá đất được quy định tại điểm C Điều 3 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT, khung giá đất cần được điều chỉnh phù hợp với thị trường.
Hai là, thiếu khung pháp lý cho Nhà nước thuê đất của người dân, cần xem xét quy định cụ thể.
Ba là, thủ tục thẩm đinh dự án phức tạp, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, ngay cả với những dự án đầu tư có quy mô lớn. Trong những trường hợp này cần đơn giản hóa, chỉ cần qua một vòng thẩm định phê duyệt.
Bốn là, xử lý vấn đề đất manh mún, khó đạt đồng thuận của số lượng lớn hộ dân. Thực tế, đã có những dự án phải dừng lại do không đạt được sự đồng thuận của nông dân. Theo đó, cần có cơ chế đồng thuận khoảng 80% hộ dân và được UBND tỉnh phê duyệt dự án, buộc các hộ phải thỏa thuận, có chính sách tạo việc làm và chuyển đổi cho nông dân.
Năm là, về thiếu hướng dẫn thẩm định nhu cầu sử dụng đất mà không có dự án đầu tư, thu hồi theo diện doanh nghiệp tự thỏa thuận, bồi thường, Vì vậy, nên bổ sung diện doanh nghiệp tự bồi thường, tại Điều 61 và 62.
Đất đai, khâu đầu tiên tạo đột phá phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cảnh báo, đất đai cũng là yếu tố được xã hội quan tâm, nếu không cẩn thận, có thể gây ra bất ổn và khiếu kiện.
Theo Hoài Nam/langmoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn