Dự kiến hơn một tháng nữa, lúa hè thu sẽ vào vụ thu hoạch rộ. Nếu những năm trước, lượng lúa thu hoạch sớm luôn có giá cao, thì năm nay, giá lúa đầu vụ đang xuống thấp và có nguy cơ tồn đọng.
Trong khi đó, tình hình xuất khẩu gạo trong quý I - 2013 liên tiếp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường hạn chế, hợp đồng xuất khẩu bị phá vỡ, sự cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt với các nước xuất khẩu khác như Mi-an-ma, Ấn Ðộ, Thái-lan, Pa-ki-xtan. Mặt khác, giống lúa được bà con gieo trồng nhiều trong vụ này lại là lúa phẩm cấp thấp IR50404.
Tại nhiều tỉnh, IR 50404 chiếm 30 đến 40% diện tích, mặc dù trước đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có khuyến cáo không nên gieo sạ giống lúa này quá 20% diện tích do đầu ra của lúa phẩm cấp thấp ngày càng hẹp dần. Tất cả những yếu tố đó đang gây áp lực đối với việc thu mua lúa hè thu cho nông dân.
Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, cần tính đến các giải pháp thu mua sớm để tránh tình trạng lúa thu hoạch không bán được, ảnh hưởng thu nhập và đời sống của nông dân.
Tỉnh Kiên Giang đã có kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét giao trực tiếp cho tỉnh mua tạm trữ thêm 100 nghìn tấn gạo, nhằm giảm lượng lúa tồn đọng trong dân. Việc giao cho các địa phương thực hiện tạm trữ lúa gạo cũng là kiến nghị của nhiều đơn vị sau đợt thu mua tạm trữ một triệu tấn gạo vụ đông xuân vừa qua.
Có lẽ, kiến nghị đó nên bắt đầu thực hiện từ vụ lúa hè - thu này, để các địa phương chủ động triển khai thu mua tạm trữ theo cơ cấu mùa vụ. Theo đó, địa phương nào thu hoạch trước sẽ thực hiện tạm trữ trước, và trình tự cho các địa phương khác. Tuy nhiên, về lâu dài cần nghiên cứu tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu lúa gạo cho phù hợp nhu cầu mới của thị trường.
Trong đó, cần đặc biệt chú trọng vấn đề đa dạng cây trồng trên đất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long để vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa hạn chế sản lượng lúa gạo. Từ đó có thể điều tiết hợp lý thị trường xuất khẩu và nâng giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Báo Nhân dân online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn