Với ý chí vươn lên làm giàu bền vững ở quê hương, sau khi học xong trung học phổ thông, anh thanh niên Nguyễn Văn Thanh ở Phú Thịnh (xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu.
Nguyễn Văn Thanh đã chia sẻ về quá trình khởi nghiệp và lý do anh chọn mô hình nuôi chim bồ câu. Theo đó, qua tìm hiểu sách, báo, anh Thanh nhận thấy, nghề nuôi chim bồ câu có khả năng làm giàu, phù hợp với khí hậu địa phương.
Anh Nguyễn Văn Thanh đang chăm sóc đàn bồ câu nuôi trong trang trại của gia đình. Ảnh: M.T
Sau khi tìm tòi, nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, tham khảo một số mô hình nuôi chim bồ câu ngoài thực tế cũng như nhiều mô hình nuôi chim bồ câu được đăng tải trên báo, cuối năm 2015, anh Nguyễn Văn Thanh tiến hành xây dựng chuồng trại theo đúng quy trình kỹ thuật, mỗi khu được ngăn thành từng dãy lồng, mỗi dãy lồng lại được chia thành từng ngăn để nuôi theo từng loại chim bố mẹ và chim thịt. Sau đó, anh mua 30 cặp chim bố mẹ về nuôi.
Ban đầu, do anh chưa có kinh nghiệm nuôi nên các lứa ban đầu chim bồ câu bị bệnh và chết khá nhiều. Tuy nhiên, không nản chí, anh Thanh tiếp tục nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thức ăn cho chim bồ câu phải sạch…
Công sức, kiên trì với sự đam mê đã dẫn anh Thanh đến thành công. Những lứa chim bồ câu về sau này của nhà anh Thanh ngày càng sinh sôi phát triển. Đến nay, anh nuôi thường xuyên từ 300 - 400 cặp giống chim bồ câu bố, mẹ. Trung bình, mỗi tháng anh xuất bán từ 100 - 120 cặp chim các loại; với giá 250.000 - 400.000 đồng/cặp chim giống; 100.000 đồng/cặp chim thương phẩm (chim non, nặng từ 0,5kg). Trừ mọi chi phí, anh Thanh có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Theo anh Nguyễn Văn Thanh, khi đã nắm vững kỹ thuật, đúc kết đủ kinh nghiệm thì nuôi chim bồ câu rất dễ. Thức ăn chủ yếu là cám, ngô và lúa trộn đều, ăn 2 lần/ngày. Với các cặp chim bố mẹ đang nuôi chim non thì cho ăn thêm 1 lần/ngày. Ngoài ra, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống phải sạch sẽ và bổ sung thuốc bổ, tiêm thuốc phòng bệnh định kỳ.
Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, anh chủ động kết nối cung ứng cho các nhà hàng, quán ăn ở địa phương, liên kết với các hộ chăn nuôi khác để cung cấp cho các nơi có nhu cầu. Đồng thời, anh tích cực giúp đỡ các hội viên ở địa phương về con giống để khởi nghiệp.
Với sự năng động, nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của một thanh niên trẻ, anh Nguyễn Văn Thanh là tấm gương tiêu biểu để nhiều thanh niên học tập khởi nghiệp làm giàu trên vùng đất quê hương.
Theo Mạnh Thuần/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn