Phương pháp trồng rau thủy canh hồi lưu là một trong những giải pháp tạo nguồn rau an toàn trước tình hình diện tích trồng rau đang bị thu hẹp, nhu cầu số lượng và chất lượng rau ngày càng tăng. Với 1.000 m2 vườn rau thủy canh hồi lưu của anh Huỳnh Ngọc Thành khá phong phú nhiều chủng loại như dưa leo, cà chua, cải rổ, cải thìa, cải ngọt, cải tatsoi, cải mizura Nhật, rau muống...
Anh Huỳnh Ngọc Thành (Tiến Lợi, Phan Thiết) bên vườn rau thủy canh hồi lưu.
Giá cả phải chăng
Chẳng hạn, anh Thành đang bán rau muống, cải ngọt (20.000 đồng/kg), tần ô, cải thìa, khổ qua (30.000 đồng/kg); tùy thuộc từng loại rau giá 20.000 – 40.000 đồng/kg. Các sản phẩm rau thuỷ cảnh được đóng gói, trọng lượng 0,5 kg. So với rau thổ canh tại các chợ, giá rau thủy canh của anh Thành chênh lệch khoảng 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Theo anh Thành, trồng rau theo phương pháp thủy canh tại các tỉnh bạn không mới. Tuy nhiên, tại Bình Thuận là cách làm chưa được phổ biến. Sử dụng phương pháp thủy canh, người trồng phải sử dụng hạt giống nhập từ Thái Lan, Nhật, Mỹ… Hiện nay, anh đang làm các thủ tục về chứng nhận sản phẩm VietGAP, tem truy xuất nguồn gốc.
Anh Thành cho biết: Để tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, ngoài nhà lưới, anh tìm hiểu, sử dụng sắt, tấm lót nhựa, ống dẫn, tấm xốp…tạo thành hệ thống máng thủy canh hồi lưu. Tổng chi phí đầu tư 300 triệu đồng/1 sào (1.000m2), giá thành chỉ bằng gần bằng 1/2 giá trị sử dụng hệ thống ống máng nhập khẩu.
Trồng rau thủy canh hồi lưu sử dụng bơm tuần hoàn 2 chiều. Hệ thống điều khiển tự động bơm dinh dưỡng nuôi cây đủ nhu cầu phát triển. Phần dung dịch dư được thu lại vào thùng, tạo một vòng tuần hoàn khép kín, tiết kiệm nước, điện, phân bón, công nhổ cỏ…
Khu vườn 1.000 m2 trồng rau thuỷ canh hồi lưu của anh Huỳnh Ngọc Thành.
Với phương pháp thủy canh hồi lưu, người trồng sử dụng công thức của IRAREL để pha dung dịch, dùng bút đo để đo chỉ số một cách chính xác. Nếu thêm thành phần dung dịch không đúng theo công thức, rau sẽ bị thối rễ.
Cụ thể, trên cùng diện tích 1 sào, với phương pháp thủy canh, chỉ cần 500 lít nước. Nếu trồng theo hình thức thổ canh, mỗi ngày tiêu tốn khoảng 5 - 7 khối nước. Trồng rau thủy canh không mất nhiều thời gian chăm sóc, không xịt thuốc, không sử dụng phân hóa học, không sợ ô nhiễm nguồn bệnh từ đất vì cách ly với mặt đất. Đặc biệt, có thể trồng nhiều vụ trong năm và trồng trái vụ. Đó là phân tích của anh Thành về những ưu điểm của trồng rau thủy canh hồi lưu .
Nhân rộng để thay thế
Hiện tại, không ít người trồng rau chạy theo lợi nhuận, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; cũng như sử dụng nước, đất ô nhiễm trong quá trình canh tác. Nghĩa là khó có thể kiểm soát được người trồng rau có tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.
Điều này dẫn đến phần lớn người tiêu dùng, hàng ngày vẫn phải tiêu thụ rau không rõ nguồn gốc, chưa đảm bảo sức khỏe. Vì thế, nỗi lo của người tiêu dùng về chất lượng rau ngày càng lớn, nhu cầu được sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng ngày càng tăng. Mặt khác, diện tích đất nông nghiệp bao gồm cả đất sản xuất rau đang bị thu hẹp so trước đây, bởi quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh.
Vườn rau cải trồng theo phương pháp thủy canh hồi lưu của anh Huỳnh Ngọc Thành.
Trước áp lực đất đai khan hiếm, nhu cầu số lượng và chất lượng rau tăng, phương pháp canh tác thủy canh có thể dần thay thế phương pháp trồng rau truyền thống. Hy vọng phương pháp trồng rau thủy canh sẽ được nhân rộng, thay đổi thói quen sử dụng phân, thuốc hóa học của người trồng rau nhằm tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn