Tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang hiện nay là 448.680 ha, trong đó rừng tự nhiên 233.216 ha, rừng trồng 187.674 ha. Diện tích rừng hiện có 420.890 ha, tỷ lệ che phủ của rừng 65%. Khuyến khích kinh tế lâm nghiệp phát triển tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; quy hoạch vùng nguyên liệu để tạo điều kiện cho các nhà máy phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất nguyên liệu; thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC với diện tích gần 20.000 ha.
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang |
Nhìn cánh rừng bạt ngàn ông Phạm Văn Sơn, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn không ngờ rằng có ngày ông có thể thu về tiền tỷ từ rừng. Ông Sơn là một trong những nông dân đầu tiên của tỉnh trồng rừng FSC ở Tuyên Quang. Cách đây 4 năm, nhờ sự giúp đỡ về kỹ thuật và kinh phí của Sở NN-PTNT, Công ty cổ phần Woodsland triển khai thực hiện mô hình quản lý rừng trồng bền vững để cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ gia đình nông dân trên địa bàn ông chủ động xin tham gia.
Ông Sơn cho biết, đến năm 2016, mô hình được đánh giá lần đầu tiên, cánh rừng 9 năm tuổi với diện tích 7 ha của gia đình ông trong tổng số 181,37 ha rừng của xã đã được Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế cấp chứng chỉ thời hạn 5 năm. Mỗi ha rừng được cấp chứng chỉ FSC thu hoạch bán có giá trên 180 triệu đồng đến 190 triệu đồng. Năm 2017, ông khai thác 7 ha rừng được trên 1 tỷ đồng.
Để nâng cao năng suất, chất lượng giá trị, thu nhập cho người trồng rừng trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao như giống cây keo lai được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô và cây keo tai tượng được gieo ươm từ hạt giống nhập ngoại cho các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất, trong giai đoạn đoạn 2018 – 2021.
Vụ trồng rừng năm 2017-2018, gia đình anh Vũ Văn Xuân, thôn Tân Biên 2, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn được hỗ trợ cây giống để trồng 9 ha rừng. Anh Xuân cho biết, chương trình hỗ trợ cây giống cho người trồng rừng rất có ý nghĩa với người nông dân. Người nông dân không mất tiền mua cây giống, còn được tư vấn kỹ thuật làm đất, đào hố, bón phân và không phải ký kết ràng buộc. Do nguồn cây giống được đảm bảo, lại trồng đúng quy trình kỹ thuật, sau hơn 1 năm trồng, toàn bộ 9 ha rừng của gia đình anh đều phát triển tốt.
Vườn keo rộng 9 ha của gia đình anh Vũ Văn Xuân, thôn Tân Biên 2, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn |
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các thành phần kinh tế, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Từ năm 2016 đến nay tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 185.303 ha, với 106.065 giấy. Trong đó giao rừng được 10.112,06 ha trong số 10.544,16 ha, đạt 95,90% so với kế hoạch giao và cấp giấy chứng nhận đối với diện tích đủ điều kiện giao 8.050,57 ha trong số 8.222,44 ha, đạt tỷ lệ 97,91% so với kế hoạch. Do vậy, người dân và các thành phần kinh tế đã yên tâm sản xuất. Chính sách khoán bảo vệ rừng được tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ.
Thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ phát triển, tỉnh Tuyên Quang đang xây dựng 3 nhà máy sản xuất, chế biến gỗ, nâng tổng số lên 9 nhà máy với tổng nhu cầu gỗ nguyên liệu trên 1.000.000 m3/năm. Đến năm 2020, dự kiến nhu cầu nguyên liệu gỗ cho chế biến khoảng trên 2.300.000 m3/năm.
Tuyên Quang đã có Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa là cơ sở sản xuất, chế biến lớn nhất cả nước với công suất 1.300.000 m3/năm. Các nhà máy chế biến gỗ khác như: Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, công suất 680.000 m3/năm; Nhà máy sản xuất đũa Phúc Lâm huyện Chiêm Hóa công suất 10.000 m3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Ha Hang công suất 25.000 m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ Chiêm Hóa công suất 200.000 m3/năm; Nhà máy ván ép nhân tạo MDF 120.000 m3/năm; Nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu công suất 160.000 m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần gỗ Đông Dương 20.000 m3/năm... Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành trung tâm chế biến gỗ lớn của cả nước gắn với phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
Rừng được cấp chứng chỉ FSC cho người nông dân giá trị cao hơn từ 10 đến 20% so với rừng thông thường |
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy An Hòa Nguyễn Văn Anh cho biết, sản phẩm chủ yếu của công ty là bột giấy, giấy in, giấy viết và giấy phô tô coppy. Hiện nay, đơn vị có hai dây chuyền sản xuất bột giấy và giấy. Mỗi dây chuyền này đều có công suất là 140 nghìn tấn/năm. Sản phẩm chủ lực là giấy và bột giấy được tiêu thụ trong nước và 30% số sản phẩm được xuất khẩu đi các nước, như Ấn Độ, Mỹ, Singapore, Trung Quốc, các nước Đông - Nam Á và châu Âu, tạo việc làm cho hơn 800 lao động với mức thu nhập gần 7 triệu đồng/người/tháng và hàng chục nghìn lao động tham gia trồng rừng. Năm 2018, doanh thu của công ty đạt 3.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 170 tỷ đồng. Công ty đang đầu tư khởi công xây dựng thêm nhà máy sản xuất bột giấy công suất 150 nghìn tấn/năm, tạo thêm việc làm cho 300 lao động.
Theo Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang, trong 4 tháng đầu năm 2019 tổng giá trị bột giấy xuất khẩu đạt 1,43 triệu USD, giấy in, giấy viết xuất khẩu đạt 2,55 triệu USD, đồ gỗ xuất khẩu đạt 180 nghìn USD. Năm 2018, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 1.064 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2017. Cũng trong năm 2018, ngành xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của tỉnh đạt mức trên 9,4 triệu USD, chiếm hơn 12,3% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thuộc các ngành nông nghiệp, công nghiệp, khoáng sản. Đây là năm đầu tiên xuất khẩu của tỉnh có lượng lâm sản đồ gỗ xuất khẩu lớn nhất, kim ngạch xuất khẩu cao nhất.
Với nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tập trung phát triển lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang coi đây là một trong những hướng kinh tế mũi nhọn. Hướng đi này vừa khai thác được tiềm năng thế mạnh về đất rừng, vừa giúp hàng nghìn người dân gắn bó với rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, để kinh tế lâm nghiệp tiếp tục bứt phá, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tổ chức quản lý, phát triển bền vững những vùng sản xuất nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, nhất là việc phát triển rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ FSC. Tỉnh cũng sẽ thực hiện chính sách tích tụ đất trồng rừng nhằm tạo ra những cánh rừng rộng lớn, nâng cao thu nhập cho người dân; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh giai đoạn 2018 – 2021; chính sách giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp theo Quyết định 258/QĐ-UBND ngày 7-9-2015 về việc phê duyệt phương án giao rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã quy hoạch lại là rừng sản xuất sau điều chỉnh phân 3 loại rừng... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn